Thực tế, nguyên liệu chè phục vụ cho chế biến chủ yếu từ các giống chất lượng thấp; sản phẩm chè hàng hóa phần lớn ở dạng nguyên liệu thô, nghèo nàn về chủng loại, chất lượng, mẫu mã chưa hấp dẫn, sức cạnh tranh thấp. Mặt khác, ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã tạo ra nhiều khó khăn và thách thức cho doanh nghiệp, đòi hỏi những sự thay đổi trong cơ cấu sản xuất cũng như chất lượng mẫu mã sản phẩm chè của các đơn vị kinh doanh nói chung và các doanh nghiệp chè nói riêng để nâng cao sức cạnh tranh.
Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), tại Việt Nam, chè là cây công nghiệp lâu năm được phát triển từ rất sớm, các hộ nông dân (nhà sản xuất nhỏ) chịu trách nhiệm cho 60% sản lượng chè trong nước và xuất khẩu thế giới. Mặc dù đóng góp quan trọng cho phát triển nông thôn và xóa đói giảm nghèo, ngành chè vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm tác động của thời tiết bất lợi, tiếp cận thị trường cho các nhà sản xuất nhỏ, thiếu minh bạch và bền vững trong chuỗi giá trị chè.
“Chè là một nguồn cung cấp việc làm và thu nhập, có thể giúp giảm bớt một số khó khăn do suy thoái kinh tế hiện nay” - nhận định của ông Qu Dongyu - đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO). Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải có chính sách tốt hơn, đổi mới hơn, tăng đầu tư và bao quát hơn trong sản xuất và chế biến chè, cũng như làm nổi bật các khía cạnh xã hội, văn hóa và sức khỏe của chè.
Theo đại diện Sở NN và PTNT tỉnh Thái Nguyên, đến hết năm 2020 diện tích chè trên địa bàn ước đạt 22.500 ha, năng suất chè búp tươi đạt hơn 119 tạ/ha, sản lượng 239 nghìn tấn. Cây chè của tỉnh đang có quy mô sản xuất ổn định và gia tăng qua các năm. Ðiều đáng nói là mặc dù bị ảnh hưởng bởi tình hình chung nhưng chất lượng và giá trị sản phẩm chè không ngừng nâng cao. Thống kê hiện nay, thu nhập từ cây chè đạt khoảng 300 đến 500 triệu đồng/ha. Chè Thái Nguyên đang từng bước khẳng định được vị trí tại thị trường trong nước và triển vọng mở rộng ra thị trường thế giới. Hơn nữa, sản xuất chè đã và đang góp phần xóa đói, giảm nghèo, làm giàu, là thu nhập chủ yếu của hàng chục nghìn hộ dân trên địa bàn.
Được biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 38 doanh nghiệp, 77 hợp tác xã, 230 làng nghề sản xuất, chế biến, kinh doanh chè… Toàn tỉnh đã hình thành hơn 186 chuỗi liên kết sản xuất chè bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, chuỗi liên kết giữa người trồng chè với nhau cũng đang phát huy hiệu quả bằng việc chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất.
Còn tại tỉnh Sơn La, cây chè cũng đang trở thành cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập. Hiện, toàn tỉnh trồng hơn 5.200 ha chè, trong đó diện tích trồng mới đạt 214 ha, sản lượng đạt 45.310 tấn với năng suất khoảng 106 tạ/ha. Tại các vùng sản xuất chè chính như Mộc Châu, Vân Hồ, người trồng chè đã áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật tiên tiến từ trồng, thu hái, bón phân… cho nên năng suất chè búp tươi không ngừng tăng lên. Ðến nay, ở những diện tích trồng truyền thống cho thu nhập từ 120 triệu đến 150 triệu đồng/ha/năm; còn với diện tích trồng được tưới bằng công nghệ nhỏ giọt cho thu hoạch từ 180 triệu đến 200 triệu đồng/ha/năm.
Trong cuộc Trà đàm với đại diện Hiệp hội Chè Việt Nam, ông Lê Quang Chuyền - Giám đốc công ty chè Mỹ Lâm chia sẻ, để phát triển chè bền vững, quan trọng nhất phải có mối liên kết bền vững. Hiện nay, đại đa số các doanh nghiệp sản xuất chè không biết nguyên liệu của mình có nguồn gốc như thế nào, do ai làm ra, được canh tác và chăm sóc như thế nào. Ngược lại, người nông dân cũng không biết sản phẩm chè của mình bán cho doanh nghiệp nào. Do vậy, các mối quan hệ hiện đang rất lỏng lẻo, nó sẽ thiệt cho cả phía doanh nghiệp và nông dân trồng chè. Mục tiêu là phải xây dựng mối liên kết chặt chẽ qua việc tổ chức, tập hợp các hộ nông dân lại tạo thành các nhóm sản xuất là hết sức cần thiết, thực hiện theo đúng tiêu chí, chỉ tiêu, thực hiện theo cùng một quy trình, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp đang liên kết.
Các nhà nghiên cứu chè cho biết, trong bối cảnh hiện nay, để đạt được sự bền vững cao hơn trong ngành chè, ngoài sự cần thiết phải xây dựng các chiến lược thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu thì việc thúc đẩy tính minh bạch và bền vững của chuỗi liên kết sản xuất an toàn, nâng cao giá trị chè và xây dựng các chính sách cho lợi ích sản xuất chè bền vững, trước hết là nông dân trồng chè. Thời gian tới các địa phương cần thúc đẩy phát triển các mô hình trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã trong sản xuất, chế biến chè an toàn; đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất và chế biến; đào tạo, tập huấn cho nhân dân về sản xuất, thu hoạch và chế biến chè an toàn, bền vững; quy hoạch vùng sản xuất an toàn gắn với các cơ sở chế biến; phân vùng nguyên liệu tránh tình trạng tranh mua, tranh bán. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất chè cần tích cực đổi mới thiết bị công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm nhằm tăng giá trị và hiệu quả sản xuất chè…
Dinh Dinh