Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, thế giới đang diễn biến khó lường, xung đột địa chính trị diễn ra gay gắt, khủng hoảng do biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên đang đặt ra nhiều thách thức, nhưng đồng thời cũng mở ra các cơ hội mới đối với phát triển kinh tế - xã hội của từng quốc gia. Trong bối cảnh đó, phát triển kinh tế xanh và bền vững là chìa khóa và là hướng đi bắt buộc của các quốc gia trên toàn cầu.
“Chúng tôi đánh giá cao vai trò tiên phong của EU trong thúc đẩy xây dựng một nền kinh tế toàn cầu xanh và tuần hoàn, góp phần biến chuyển những thách thức hiện nay thành các cơ hội cho kinh tế thế giới, với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính ít nhất 55% vào năm 2030 và đạt trung hòa các-bon vào năm 2050. Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ các chiến lược và sáng kiến quan trọng của EU hướng tới mục tiêu này, như Thoả thuận xanh, Cửa ngõ toàn cầu, Chiến lược kinh tế biển, Kinh tế số... với nhiều bước đi cụ thể trong các lĩnh vực như phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng hydrogen xanh, kết nối số và huy động nguồn tài chính xanh cho phát triển...”
Việt Nam đề cao quan điểm phát triển bao trùm, xanh và bền vững, với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Chúng tôi quyết tâm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả, lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, quyết định, lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực; thúc đẩy phát triển dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Với quan điểm đó, Việt Nam là một trong 4 nước đã ký kết Tuyên bố Chính trị thiết lập đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với nhóm G7 và các đối tác quốc tế, trong đó có EU.
Trên cơ sở nguồn tài nguyên thiên nhiên về năng lượng gió, điện mặt trời, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ các tiềm năng và thế mạnh của mình, cùng hợp tác với các đối tác EU trong đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng xanh, phát triển năng lượng tái tạo, hydrogen xanh.
Thủ tướng đánh giá Diễn đàn hôm nay có ý nghĩa rất quan trọng, tạo điều kiện cho các nhà lãnh đạo, các Bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và EU cùng trao đổi, thảo luận các hướng đi mới, các giải pháp mới cho hợp tác giữa hai bên trong thúc đẩy các sáng kiến xanh.
Nêu rõ tầm quan trọng của phát triển kinh tế xanh và kinh tế số có mối quan hệ gắn bó mật thiết, chặt chẽ, thúc đẩy lẫn nhau, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, muốn phát triển xanh thì phải phát triển kinh tế số và ngược lại. Đây cũng là xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu của Việt Nam.
Trên cơ sở đó, tại Diễn đàn năm này, Thủ tướng đã đưa ra một số đề nghị nhằm thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU):
Thứ nhất, đẩy mạnh và cụ thể hóa các cam kết hợp tác đã có giữa Việt Nam và EU trong chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tôi đề nghị hai bên nghiên cứu, đề xuất những sáng kiến, ý tưởng, dự án mang tính biểu tượng, trọng điểm, là mô hình hợp tác thành công trong chuyển đổi xanh. Quá trình này rất cần sự chung tay của các doanh nghiệp, là động lực và nguồn lực quan trọng trong thực hiện các sáng kiến xanh. Chính phủ giữ vai trò định hướng, dẫn dắt, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp trong cung cấp nguồn tài chính xanh, chuyển giao công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và cùng nhau hợp tác để đáp ứng với các tiêu chuẩn mới về phát triển bền vững.
Thứ hai, doanh nghiệp EU và Việt Nam tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực Việt Nam đang ưu tiên như công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp thông minh, năng lượng tái tạo, xây dựng kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đổi mới sáng tạo.
Cộng đồng doanh nghiệp hai bên cần thảo luận các biện phápđể tận dụng triệt để Hiệp định EVFTA, qua đó củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại song phương Việt Nam - EU. Nhân dịp này, tôi cũng đề nghị các nước thành viên EU còn lại sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) nhằm đem lại những lợi ích và cơ hội hợp tác rộng lớn cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên, giúp các doanh nghiệp EU tiếp cận thị trường ASEAN và các nước mà Việt Nam có FTA.
Thứ ba, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp châu Âu xem xét tăng cường đầu tư, thiết lập các trung tâm nghiên cứu tại Việt Nam trong các lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, hydrogen xanh, hạ tầng xanh, chuyển đổi số, nông nghiệp thông minh, công nghiệp phát thải thấp…, góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu của khu vực trong lĩnh vực chuyển đổi xanh và hình thành chuỗi giá trị hydrogen xanh ở Việt Nam.
Đồng thời, Thủ tướng cũng nhất mạnh, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện vai trò kiến tạo, tăng cường hợp tác và phối hợp với EU và Chính phủ các nước thành viên EU trong tạo dựng khuôn khổ thuận lợi, định hướng và dẫn dắt cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên trong thực hiện mục tiêu phát triển xanh. Chúng tôi cam kết sẽ luôn bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư nước ngoài trong bất kỳ trường hợp nào; luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp vượt qua thách thức, khó khăn. tranh thủ thời cơ, thuận lợi để các bạn hoạt động ổn định, lâu dài tại Việt Nam trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Tiến Hoàng