Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, một số dự án khuyến nông về sản xuất chè hữu cơ đã hướng tập trung tại những vùng có lợi thế phát triển các giống chè, tạo các sản phẩm chè có chất lượng cao, từ đó dễ dàng chuyển đổi từ sản xuất thường sang sản xuất chè hữu cơ. Trong đó, điển hình là Dự án “Xây dựng mô hình mẫu sản xuất chè hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị tại tỉnh Nghệ An”.
Dự án “Xây dựng mô hình mẫu sản xuất chè hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị tại tỉnh Nghệ An” được thực hiện tại thôn Tân Hợp, xã Bình Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An với quy mô: 10 ha/năm, thực hiện 3 năm liên tiếp tại 1 điểm trình diễn, do Trung tâm Khuyến nông Nghệ An tổ chức chủ trì, thực hiện từ năm 2022 – 2024. Áp dụng công nghệ quy trình kỹ thuật trồng thâm canh chè theo tiêu chuẩn hữu cơ do Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc ban hành tại Quyết định số 288 QĐ/MNPB-KH ngày 03/4/2020. Bao gồm nội dung: Xây dựng 01 mô hình chuyển đổi thâm canh chè theo hữu cơ thời kỳ kinh doanh; Xây dựng 01 mô hình tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh liên kết theo chuỗi (sản xuất - thu hoạch - sơ chế) giữa người dân và doanh nghiệp;
Kết quả thực hiện, cây chè sinh trưởng tốt; từ đầu năm đến nay các hộ đã thu hoạch được từ 4 lứa chè. Năng suất tùy từng lứa hái, từ 1,5 - 2,5 tấn/ha/lứa; Các hộ tham gia mô hình đã dần thay đổi tư duy, nhận thức về sản xuất chè hữu cơ, áp dụng tốt quy trình, hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật; Chứng nhận sản phẩm: 100% sản phẩm chè mô hình năm thứ 3 được chứng nhận hữu cơ và cấp tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Còn tại Yên Bái, nhiều năm qua, huyện Yên Bình đã chú trọng xây dựng, ban hành nhiều chương trình hành động, kế hoạch và đề án để tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất hàng hóa giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu xây dựng và phát triển bền vững các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh tập trung theo hướng mở rộng quy mô diện tích, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm.
Nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất, đến nay, huyện phát triển, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô vừa và lớn như: cá lồng trên 2.000 lồng, sản lượng hàng năm đạt 7 - 8 tấn; bưởi Đại Minh trên 950 ha với sản lượng hàng năm trên 10.000 tấn; gạo Bạch Hà 50 ha với sản lượng hàng năm trên 500 tấn...
Bước đầu đã hình thành được các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm như: Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm cá hồ Thác Bà, gạo Bạch Hà, gà Linh Môn, bưởi Đại Minh... và phát triển 18 sản phẩm OCOP có tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Các sản phẩm nông sản được cấp chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu thị trường, nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến, phù hợp với quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Để tăng số lượng sản phẩm nông sản có thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, sản xuất hàng hóa gắn kết chặt chẽ với thị trường tiêu thụ; phát huy vai trò đầu mối liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, hỗ trợ thúc đẩy sản xuất nông hộ của kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại; thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng của sản phẩm, nâng cao giá trị sản xuất trên 1 đơn vị diện tích canh tác...
Thời gian tới, Yên Bình chú trọng xây dựng mô hình theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm đảm bảo quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm gắn với thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm.
Đồng thời hợp tác triển khai các mô hình sản xuất, chế biến đối với một số cây trồng chủ lực (cây keo, quế, bưởi) trên địa bàn huyện để tạo ra sản phẩm nông sản chất lượng cao phục vụ người tiêu dùng. Xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm tại các vùng sản xuất tập trung; xây dựng vườn kiểu mẫu gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Tư vấn giới thiệu, khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư xây dựng các mô hình nghiên cứu chuyển giao công nghệ sản xuất, chế biến các sản phẩm; chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ… nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng về đất đai, khí hậu, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo.
Dinh Vũ