Hầu hết các mô hình nông nghiệp thông minh tại địa phương đều sử dụng hệ thống cảm biến kết nối vạn vật (IoT Sensors), các thiết bị cảm biến và thiết bị thông minh được kết nối, điều khiển tự động trong suốt quá trình sản xuất, công nghệ đèn LED sử dụng đồng bộ trong canh tác kỹ thuật cao để tối ưu hóa quá trình sinh trưởng, canh tác trong nhà kính, nhà lưới, sử dụng công nghệ thủy canh nhằm cách ly môi trường tự nhiên, chủ động ứng dụng đồng bộ công nghệ, xây dựng phòng thí nghiệm và sử dụng công nghệ nuôi cấy mô để nhân giống; các thiết bị được kết nối internet...
Để phát triển bền vững, ngành nông nghiệp tập trung chỉ đạo các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh các mô hình kinh tế tập thể. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập mới 13 hợp tác xã (HTX), nâng số HTX toàn tỉnh lên 342; xây dựng 3 liên hiệp HTX với 18 HTX thành viên và 300 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và dịch vụ tổng hợp. Phần lớn nông dân đã liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi khép kín từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm với các hợp đồng lâu dài.
Được biết, giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao năm 2022 của tỉnh đạt 450 - 460 triệu đồng/ha; đồng thời phát triển nhiều vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kiểu mẫu về nông nghiệp thông minh, kiểu mẫu về cảnh quan môi trường, về sản xuất nông sản an toàn và liên kết, tiêu thụ sản phẩm...
Mục tiêu từ nay đến năm 2025, Lâm Đồng có hơn 72.700 ha ứng dụng công nghệ cao theo hướng hiện đại, đa chức năng, trong đó có 1 nghìn ha ứng dụng công nghệ thông minh. Ngành nông nghiệp tỉnh ưu tiên hỗ trợ triển khai các mô hình ứng dụng công nghệ mới như sử dụng robot chăm sóc cây trồng; ứng dụng công nghệ thông minh trong phân loại sản phẩm, vận chuyển, bảo quản nông sản; tiếp tục thực hiện các đề án, chương trình phát triển nông nghiệp bền vững, nông nghiệp công nghệ cao, thông minh và nông nghiệp hữu cơ./.
Khánh Minh