Phát triển logistics theo hướng xanh là hướng đi của nhiều doanh nghiệp

Phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ sẽ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin.

Phát triển logistics theo hướng xanh là hướng đi của nhiều doanh nghiệp.  
Phát triển logistics theo hướng xanh là hướng đi của nhiều doanh nghiệp.  

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam được đánh giá có nhiều cơ hội để thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ logistics.

Cụ thể, Việt Nam hiện có hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, cảng hàng không, cảng biển, kho bãi, hạ tầng thương mại, trung tâm logistics không ngừng được mở rộng với quy mô lớn, rộng khắp.

Cùng với đó, các dịch vụ đi kèm đã, đang đáp ứng kịp thời những yêu cầu hết sức đa dạng của thị trường. Các thủ tục, thời gian thông quan đối với hàng xuất khẩu cũng đã cải thiện đáng kể. Theo dự báo mới nhất của Standard Chartered, Việt Nam sẽ là một trong những nhân tố chính đóng góp vào tăng trưởng thương mại toàn cầu với kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 618 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 7%.

Đặc biệt, thời gian gần đây đã có sự bùng nổ về thương mại điện tử và logistics cho thương mại điện tử. Riêng năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam đạt 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD (tương đương 25%) so với năm 2022. Với kết quả đó, Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới (tính đến thời điểm hiện tại - theo Statista).

Đây là kết quả của những nỗ lực phấn đấu của các doanh nghiệp dịch vụ logistics, của Chính phủ trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nền kinh tế nói chung và lĩnh vực hoạt động dịch vụ logistics nói riêng cũng như nỗ lực cải thiện từ bản thân doanh nghiệp.

Ông Đào Trọng Khoa - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) - cho hay: "Có tới 73,2% doanh nghiệp cho biết logistics xanh đã nằm trong chiến lược kinh doanh của họ. Điều này cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã nhận thức được về vai trò logistics xanh trong phát triển bền vững để có định hướng phát triển đối với hoạt động này. Bên cạnh đó, có tới gần 65% doanh nghiệp tham gia khảo sát cũng cho biết họ có thực hiện kiểm soát môi trường tại doanh nghiệp".

Logistics chuyển đổi xanh thể hiện ở chỗ đã có các doanh nghiệp lớn phát triển được cảng xanh, bưu cục di động, kho bãi xanh… Các doanh nghiệp nhỏ và vừa với lợi thế linh hoạt cũng đã và đang hưởng ứng với xu hướng logistics xanh, lan tỏa thông điệp ý nghĩa về môi trường và thực hiện chiến lược phát triển bền vững trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng logistics hạn chế liên quan phương tiện vận chuyển và mạng lưới giao thông vận tải cũng là điểm nghẽn; chất lượng cơ sở hạ tầng hạn chế khiến ảnh hưởng đến kế hoạch triển khai và hiệu quả thực hiện các giải pháp logistics xanh của doanh nghiệp.

Để xây dựng nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics các cơ quan liên quan phối hợp xác định chính xác nhu cầu lao động và xây dựng các bộ tiêu chuẩn nghề đối với lĩnh vực logistics, hỗ trợ các trường đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị thuộc lĩnh vực logistics...

Tiến Hoàng