Phó Thủ tướng: Phải thay đổi quan niệm về giáo dục thường xuyên

Tại hội thảo khoa học “Trường đại học với việc xây dựng và triển khai mô hình “Công dân học tập”, sáng 23/7, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng phải thay đổi suy nghĩ giáo dục thường xuyên kém hơn rất nhiều so với giáo dục phổ thông, giáo dục đại học

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Đổi mới giáo dục thường xuyên cần sự chỉ đạo tập trung quyết liệt hơn. Ảnh: VGP/Đình Nam  
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Đổi mới giáo dục thường xuyên cần sự chỉ đạo tập trung quyết liệt hơn. Ảnh: VGP/Đình Nam  
 

Tham luận và ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia tại hội thảo cho thấy trong tình hình hiện nay, với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đã tác động mạnh mẽ trên nhiều phương diện của đời sống xã hội và ở hầu hết tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Mỗi người dân cần tự trang bị cho mình những kiến thức, năng lực cần thiết để đáp ứng được sự đòi hỏi, yêu cầu của công việc và của xã hội trong tình hình mới.

Đây không chỉ đơn thuần là sự đòi hỏi về kiến thức trong công tác chuyên môn, trong một lĩnh vực hẹp cụ thể, mà còn là một sự đòi hỏi về những kỹ năng sống, kỹ năng mềm, năng lực tư duy...

Yêu cầu ngày càng cấp thiết

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam dẫn số liệu của Ngân hàng Thế giới năm 2019  đánh giá chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam được 3,79 điểm trên thang 10 điểm. Đến nay, lực lượng lao động của chúng ta khoảng 55,16 triệu người, chiếm khoảng 59% dân số, song tỷ lệ lao động đã qua đào tạo bằng các hình thức chỉ đạt khoảng 50% tổng lực lượng lao động của cả nước, gần 80% số người lao động từ 15 tuổi trở lên chưa có văn bằng, chứng chỉ đào tạo.

Kỹ năng mềm của lao động Việt Nam nằm ở mức trung bình hoặc yếu, đặc biệt là kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng lãnh đạo.

Còn theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có tới 55,63% chủ doanh nghiệp có trình độ học vấn từ trung cấp trở xuống, 43,3% chủ doanh nghiệp có trình độ sơ cấp, phổ thông các cấp, 75% lao động trong doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật.

Thực tế này cho thấy yêu cầu ngày càng bức thiết trong việc xây dựng xã hội học tập với hệ thống giáo dục mở linh hoạt, liên thông với môi trường bên ngoài, tăng cơ hội tiếp cận tri thức cho mọi người.

Những đối tượng có nhu cầu học tập suốt đời không chỉ là những người đang làm việc, mà cả những người đã nghỉ hưu, cán bộ giảng viên ĐH, sinh viên vừa tốt nghiệp… Vì vậy, hệ thống giáo dục học tập suốt đời phải mở về không gian, đối tượng, tài nguyên giáo dục và cơ hội học tập.

Tính phổ cập giáo dục chính là điều kiện xây dựng và phát triển mô hình công dân học tập. Người dân, bất kể tuổi tác, giới tính, hoàn cảnh, trình độ học vấn đều có thể đi học và học tập suốt đời thông qua nhiều hình thức và phương thức giáo dục khác nhau: học tại trường học, học tại nơi làm việc, trong gia đình, ngoài xã hội, học qua các thiết chế giáo dục ngoài nhà trường, các nguồn tài nguyên giáo dục mở, các phương tiện truyền thông, internet, kỹ thuật số…

Ảnh VGP  
Ảnh VGP  
 

Nhiệm vụ quan trọng của giáo dục đại học

Các ý kiến tại hội thảo chung nhận định giáo dục đại học có nhiệm vụ quan trọng là tạo cơ hội cho mọi người học tập suốt đời, tạo điều kiện và sẵn sàng cập nhật kiến thức, kỹ năng thường xuyên theo mọi nhu cầu của xã hội.

Bên cạnh đó, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam nêu lên sự cần thiết phải xây dựng các tiêu chí cho các sản phẩm đào tạo nguồn nhân lực, gọi chung là tiêu chí cho các “Công dân học tập” của từng ngành để các trường đại học có nội dung và phương pháp đào tạo phù hợp, đáp ứng mục tiêu đề ra. Các bộ tiêu chí đánh giá công dân học tập của các quốc gia thường gồm những năng lực cốt lõi và những phẩm chất mong muốn do Chính phủ lựa chọn. Nhìn chung, các quốc gia thường chọn một số lượng không nhiều những năng lực và những giá trị cần thiết nhất, cơ bản nhất, đủ để mỗi công dân có đủ khả năng thích ứng với sự phát triển của một đất nước cụ thể.

Các trường đại học phải thay đổi từ tư duy, nhận thức đến phương pháp và nội dung đào tạo theo mô hình “Công dân học tập”, để có sự năng động, sáng tạo, để tri thức luôn được bồi đắp và phát triển. Người thầy phải vừa là người truyền đạt, vừa là người khai thức, phát triển sự sáng tạo của sinh viên thông qua các tình huống thực tế, được mô phỏng và thảo luận thông qua làm việc nhóm.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu dự hội thảo. Ảnh VGP  
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu dự hội thảo. Ảnh VGP  
 


Phải quyết liệt như tự chủ đại học

Trao đổi tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ: Dân tộc Việt Nam có truyền thống hiếu học. Một dân tộc anh hùng nhưng cũng  hết sức nhân văn, văn hiến, “vai mang gươm tay mềm mại bút hoa”. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì đây càng là một tài sản quý giá. Muốn thích ứng, tận dụng được thời cơ của cuộc cách mạng này chúng ta phải có một đội ngũ trí thức, các nhà khoa học, chuyên gia và quan trọng hơn là phải có những người dân nắm bắt được tri thức khoa học, công nghệ.

Chúng ta cần có những phong trào bình dân học vụ 2.0 để “xoá mù công nghệ” thì mới có thể nắm bắt được cuộc cách mạng công nghệ hiện nay cũng như trong tương lai.

Phó Thủ tướng điểm lại từ khi thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, chúng ta đã có những bước đi rất bài bản, nỗ lực để đổi mới toàn diện giáo dục phổ thông từ thi cử cho đến phương pháp dạy, học, phát huy sáng tạo của người học.

Giáo dục đại học đã có sự thay đổi có tính lịch sử đó là các trường đại học đã tự chủ hoàn toàn, là xu thế tất yếu. Các trường không chỉ thi đua vươn lên khẳng định uy tín, mà còn nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học để thực hiện sứ mệnh “trường đại học không chỉ là nơi truyền thụ tri thức mà còn làm ra tri thức mới”. Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam được nâng lên liên tục nhờ các công bố quốc tế với 85% từ các trường đại học, trong đó có những trường lâu năm như ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TPHCM, ĐH Bách khoa Hà Nội và cả những trường rất mới như ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Duy Tân.

Tuy nhiên, sự đổi mới trong giáo dục thường xuyên, phải nhìn nhận thẳng thắn, chưa được mạnh mẽ như giáo dục phổ thông, giáo dục đại học và cần sự chỉ đạo tập trung quyết liệt hơn. “Chúng ta phải thay đổi suy nghĩ giáo dục thường xuyên kém hơn rất nhiều so với giáo dục phổ thông, giáo dục đại học”.

Muốn vậy chúng ta cần tiếp tục đổi mới giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, phát huy sáng tạo của giáo viên, học sinh, từ đó hình thành thói quen học tập suốt đời. Đồng thời, hệ thống giáo dục thường xuyên phải thay đổi, không chỉ là nơi bổ túc văn hoá phổ thông mà có thể đáp ứng được nhu cầu những người muốn học ở trình độ cao hơn như cao đẳng, đại học và nhất định phải gắn với chất lượng.

Xây dựng xã hội học tập, công dân học tập, học tập suốt đời là việc cả hệ thống phải làm. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn sau hội thảo, Bộ GD&ĐT phối hợp Hội Khuyến học, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam, một số trường ĐH thực hiện thí điểm cơ chế gắn kết với hệ thống trung tâm giáo dục thường xuyên, học tập cộng đồng tại một số địa phương để thay đổi quan niệm “giáo dục thường xuyên là trình độ thấp, chất lượng kém” thành chất lượng cao từ bậc học thấp đến đại học.

Phó Thủ tướng phân tích thêm: Hiện nay, tỷ lệ người Việt Nam học đại học, cao đẳng rất thấp, không chỉ so với các nước triển mà ngay với những nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore. Tuy nhiên chúng ta không thể mở ra ồ ạt các trường đại học để tăng số sinh viên lên gấp nhiều lần, vì vậy, việc kết hợp các trường ĐH với các trung tâm giáo dục thường xuyên, học tập cộng đồng là một giải pháp.

“Chúng ta phải làm với tinh thần quyết liệt giống như tự chủ đại học. Đây cũng sẽ là con đường 1 chiều. Chúng ta làm thí điểm để hoàn thiện và nhân rộng. Chỉ có như vậy chúng ta mới xây dựng được xã hội học tập, có công dân học tập, đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước”, Phó Thủ tướng nói.

Đình Nam

Theo Báo chính phủ