Những lưu ý khi thưởng thức tiệc trà
Tiệc trà được hiểu đơn giản là bữa ăn nhẹ với các loại bánh, trái cây và nước uống. Là loại hình tiệc rất phù hợp khi tổ chức những sự kiện khai trương, tri ân khách hàng, hội nghị, hội thảo…Thông thường, tiệc trà diễn ra vào giữa buổi tiệc nhưng cũng có nhiều sự kiện tổ chức vào đầu hoặc cuối.
Thời gian tổ chức tiệc trà diễn ra khá ngắn khoảng 30 - 45 phút, giúp người tham gia được kết nối với nhau và giải toả căng thẳng giữa những sự kiện mang tính chất trịnh trọng.
Các loại trà được người sử dụng ưa chuộng gồm trà đen và trà xanh. Khi muốn trà xuất sang châu Âu không bị hỏng, người ta ủ lá trà cho lên men, sau đó rang khô rồi đun sôi. Do đó, nước trà có màu đen, vị nước trà kém đi và hương trà hầu như không còn vị nguyên bản. Người châu Âu căn cứ vào màu nước trà mà gọi đó là trà đen và từ thế kỷ XVII đã có tập quán uống trà đen.
Trà xanh là loại trà còn tươi, rửa sạch rồi đun chín bằng nước sôi, nước trà có màu xanh, có hương thơm và vị đặc trưng của trà. Loại trà này không qua khâu ủ lên men, chỉ rang khô rồi đem ra hãm nước sôi uống, màu trà vẫn xanh và vẫn giữ được cả hương lẫn vị của trà.
Uống trà vào cuối bữa tiệc và uống bằng cốc sứ loại vừa, có quai (cá biệt có nơi dùng cốc gốm tráng men, cốc thủy tinh). Cốc uống trà bao giờ cũng lớn hơn một chút so với cốc uống cà phê và phải có tách đi kèm.
Vào cuối bữa tiệc, khi các món ăn trên bàn đã được dọn hết, người phục vụ lần lượt bày sẵn cốc tách kèm thìa nhỏ trên mặt bàn để uống cà phê hoặc trà.
Nếu uống trà xanh, người phục vụ rót trà xanh có sẵn trên khay và không thêm một thứ gì vào để khỏi làm mất hương vị của trà.
Ở nhiều nước, nhất là châu Á, người dân thường uống trà xanh có ướp hương vị hoa nhài hoặc hoa sen. Cá biệt, có khách nào muốn uống trà xanh với đường thì người phục vụ sẵn sàng thực hiện.
Nếu uống trà đen thì thông thường mỗi cốc đều có kèm một lát chanh và một ít đường. Có khách thích uống trà đen với sữa. Người phục vụ phải có tất cả những thứ này trên khay và sẵn sàng phục vụ tùy theo sở thích của khách.
Có nơi trên thế giới, khi chiêu đãi một số lượng khách quốc tế không đông lắm, ví dụ ở Tashkent (thủ đô của Uzbekistan), chủ nhà thường mời khách ngồi xếp tròn ngay trên mặt giường đôi lớn có đệm nhung rất đẹp, kèm các gối xếp có bọc gấm màu sắc sặc sỡ để khách dùng làm chỗ tì tay. Giữa giường có để sẵn một chiếc khay.
Cuối bữa tiệc, khách ngồi nguyên tại chỗ, chủ nhà đãi khách mỗi người một bát nước trà tươi (tức trà xanh) còn rất nóng, kèm theo đường hoặc một thứ gì khác.
Một số loại hình tiệc trà phổ biến trên thế giới
Tiệc trà kiểu Anh: Tiệc trà kiểu Anh là một văn hóa thưởng trà truyền thống và rất đẹp của nước Anh. Tiệc trà kiểu Anh thường nặng về hình thức và kèm theo là một menu gồm các loại bánh độc đáo chứng tỏ sự cao sang, quý tộc và thịnh soạn.
Với nét quý tộc và thanh tao, tiệc trà từ khi du nhập vào Việt Nam rất được các bạn trẻ hưởng ứng. Họ chuyển dần từ cafe sang uống trà để thưởng thức nét thanh nhã của văn hóa trà Anh.
Tiệc Teabreak: Đây là một loại hình tiệc trà đang rất thịnh hành tại Việt Nam vì sự đơn giản nhưng không kém phần sang trọng, tao nhã.
Cách thức bày trí bàn tiệc Teabreak tuy không cần quá câu nệ cầu kì nhưng cũng cần phải thật đẹp, bắt mắt người sử dụng.
Tổ chức tiệc Teabreak phù hợp với hình thức tiệc đứng để tạo không gian thoải mái, linh động cho mọi người. Tiệc Teabreak thường được tổ chức với mục đích khai mạc buổi lễ, khai trương, hay diễn ra xuyên suốt sự kiện tùy vào mục đích. Giúp người tham gia có thể dễ dàng trò chuyện, kết nối với nhau, tăng sự thân thiết và giải toả căng thẳng giữa những sự kiện mang tính chất trịnh trọng.
Tiệc trà Nhật Bản: Tiệc trà là truyền thống đặc trưng của người Nhật Bản, những quy tắc trong việc thưởng thức trà vẫn còn được lưu giữ đến ngày nay. Với người Nhật, tiệc trà là một hình thức uống trà để giải trí trong một bầu không gian tĩnh lặng, mà cả người chủ lẫn khách đều hướng đến sự thư giãn tinh thần và sự hòa hợp với thiên nhiên.
Tiệc trà Nhật Bản hay còn gọi là trà đạo, thường bao gồm: Usucha (trà loãng) và Ten Shin (bữa ăn nhẹ). Trong tiệc trà Nhật Bản cũng gồm 2 nghi lễ và Chaji là nghi lễ trang trọng hơn. Chaji bao gồm Kaiseki (bữa ăn chính), Koicha (trà đặc) cùng trà loãng bánh hoặc kẹo. Trà đạo Chaji kéo dài hơn 4 tiếng đồng hồ và mang nhiều ý nghĩa đặc biệt.
Cách thức uống trà của khách cũng được quy định nghiêm ngặt. Điều đáng chú ý ở đây là những thao tác, ngôn từ không những của chủ nhà mà kể cả của khách đều được hướng dẫn, luyện tập nhiều qua một trường lớp dạy trà đạo chính quy.
Qua nghi lễ của một buổi tiệc trà cũng như ý nghĩa, nét đặc sắc của trà đạo Nhật Bản, chúng ta có thể nhận biết thêm một số nét đặc trưng của nền văn hóa Nhật Bản cũng như tính cách của họ.
Vũ Nghi