Ở một số huyện của tỉnh Nghệ An, chè được coi là cây trồng chủ lực. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, thời tiết nắng nóng kéo dài đã ảnh hưởng đến một số nương chè ở huyện Thanh Chương, Nghệ An. Song, nhờ sự chủ động trong việc chống hạn và ứng dụng công nghệ bơm tưới hiện đại, đến nay hầu hết các cây chè trên diện tích gần 5.000 ha vẫn đang phát triển tốt. Nhiều hộ dân đã đầu tư mạnh cho hệ thống tưới nước, đặc biệt là lắp đặt các béc tưới tự động để tưới đậm cho cây chè trong những ngày nắng gắt.
Đơn cử, gia đình ông Võ Văn Đồng ở xã Hùng Sơn đã trồng 4 ha chè và thu về thu nhập 35 triệu đồng từ lứa thu hoạch vừa qua. Để đảm bảo năng suất và chất lượng câychè trong thời điểm nắng hạn, ông đã bơm tưới dưỡng chè liên tục từ 8-10 tiếng đồng hồ/lần/ngày. Tương tự, chị Dương Thị Giảng ở xã Thanh Thủy đã đầu tư 40 triệu đồng để lắp đặt hệ thống đường ống dẫn nước và béc tưới tự động để tưới đậm cho cây chè.
Nhờ rút kinh nghiệm từ những năm trước và chủ động áp dụng các phương án chống hạn, việc ứng dụng công nghệ vào chống hạn đã giúp cho các cây chè đang phát triển bình thường dù trải qua đợt nắng nóng kéo dài.
Dự báo thời tiết sẽ dịu dần trong những ngày tới và có mưa trên diện rộng, đây được coi là "mưa vàng" giúp giải nhiệt và giúp cây chè phục hồi tốt hơn. Mưa cũng sẽ giúp tích trữ nước để chống chọi với những đợt nắng nóng tiếp theo. Hơn hết, sự chủ động của bà con trong việc chống hạn và ứng dụng công nghệ tưới nước đã mang lại hiệu quả tích cực trong bảo vệ cây chè và đảm bảo nguồn thu nhập cho người dân địa phương.
Để phòng chống nắng nóng trên cây chè, cơ quan chuyên môn khuyến cáo bà con cần chủ động tưới nước giữ ẩm cho chè, đặc biệt là ở những nương chè thiếu cây che bóng, bên cạnh đó bón phân cân đối, dọn sạch cỏ dại. Với những nương chè xuất hiện sâu bệnh hại cần thường xuyên kiểm tra nếu đến ngưỡng cần sử dụng những loại thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng để phun phòng trừ, hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Một số giải pháp phòng chống hạn và nắng nóng cho chè như:
- Giải pháp ngắn hạn.
Khi năng nóng sảy ra, bà con không tiến hành hái chè vào giai đoạn này, kéo dài lứa hái cho lần tiếp theo. Đặc biệt là khuyến cáo bà con bón bổ sung phân hữu cơ, phân vi sinh để cây chè sớm phục hồi.
Có thể tìm nguồn vật chất hữu cơ thực vật để tủ gốc hoặc kết hợp có tưới (với các diện tích có điều kiện) để tăng cường độ ẩm cho cây chè.
Nếu có diện tích chè bị nắng cháy cần đốn bỏ phần cành khô đã bị chết về đến phần chất xanh của cây chè (khoảng 7-10cm) khi đã xuất hiện mưa đều, độ ẩm cao.
- Các giải pháp lâu dài.
Định hướng sử dụng các giống chè có khả năng chịu nóng, chịu hạn cao như LDP1, LDP2 hoặc một số giống chè mới như PH11, PH8.
Với các vùng chè đang chuẩn bị cho trồng mới cần khẩn trương cho trồng cây che bóng, cây trồng xen nhằm giữ cho cây chè con phát triển tốt trong giai đoạn kiến thiết cơ bản.
Nghiên cứu thử nghiệm trồng khảo nghiệm các loại cây che bóng tầm cao cho cây chè kinh doanh nhằm hạn chế ảnh hưởng của nắng hạn.
Cần tập huấn, bổi dưỡng cho người dân trồng chè về kỹ thuật áp dụng máy hái chè trong canh tác chè kinh doanh, quan tâm đầu tư thâm canh, tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật đã được ban hành để đảm bảo cây chè được phát triển bền vững.
Theo dõi chặt chẽ các bản tin thời tiết và dự báo nắng nóng, hạn của các cơ quan chuyên môn để hướng dẫn người dân thực hiện tốt các giải pháp trên.
Bảo An