Được biết, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) huyện Thanh Sơn trong năm 2024 đã xây dựng kế hoạch phát triển, tiêu chuẩn hóa và nâng cấp thêm 10 sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên, trong đó: phát triển 06 sản phẩm, bộ sản phẩm mới hạng 3 sao (Mật ong Tinh Nhuệ, Gạo nếp Quạ Đen, Thịt chua cao cấp Phượng Hồng, Thịt chua ống nứa Duy Lợi, Thịt chua hộp nhựa Duy Lợi, Thịt chua vị truyền thống Duy Lợi); 03 sản phẩm mới hạng 4 sao (Thịt chua Hà Điệp vị truyền thống, Thịt chua Hà Điệp vị tỏi ớt, Thịt thính Hà Điệp); 01 Bộ sản phẩm mới hạng 5 sao của Công ty Cổ phần LitaFood (Bộ sản phẩm quà biếu Con Cui); 6 tháng đầu năm toàn huyện có 28 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao và 4 sao.
Tuy nhiên, do một số sản phẩm đã hết hạn theo quy định, các chủ thể không đề nghị đánh giá công nhận lại do định hướng phát triển sản phẩm mới, sản phẩm thay thế của chủ thể. Đến hết quý III/2024 toàn huyện có 24 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao và 4 sao (hạng 3 sao có 5 chủ thể với 8 sản phẩm; hạng 4 sao có 5 chủ thể với 16 sản phẩm).
Để xây dựng các sản phẩm OCOP, cùng với việc triển khai, hướng dẫn, hỗ trợ vốn, thủ tục, kỹ thuật cho các chủ thể, UBND huyện Thanh Sơn đã chỉ đạo Phòng NN & PTNT phối hợp với các cấp để mở các lớp tập huấn cho các hộ tham gia HTX; quy hoạch, mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất bảo đảm sản xuất ổn định; tập trung quảng bá, tiếp thị sản phẩm OCOP bằng nhiều hình thức, triển khai thực hiện xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm đã được tiêu chuẩn hóa. Huyện tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia các hội chợ kết nối giao thương; hỗ trợ các chủ thể tham gia chương trình xây dựng hệ thống, điểm giới thiệu bán sản phẩm OCOP tại các địa phương; ứng dụng thương mại điện tử trong việc giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm...
Ông Phùng Minh Dũng, Trưởng phòng NN & PTNT huyện Thanh Sơn, cho biết, để đạt được mục tiêu đề ra, cùng với việc thực hiện các chương trình hỗ trợ theo chính sách của tỉnh, huyện cũng tập trung đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, hỗ trợ các chủ thể ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong việc giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các sàn giao dịch điện tử; phối hợp triển khai cho các chủ thể trưng bày, quảng bá, giới thiệu và liên kết tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn.
Đối với sản phẩm mới tham gia Chương trình, huyện tập trung hỗ trợ tiêu chuẩn hóa, phát triển sản phẩm theo hướng sản xuất hàng hóa có chất lượng; tư vấn hướng dẫn các chủ thể tham gia xây dựng hoàn thiện hồ sơ, hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ, chứng nhận sản phẩm theo tiêu chuẩn sản xuất an toàn... đảm bảo đủ các điều kiện tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm.
Cùng với sự nỗ lực, cố gắng của các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, những chính sách hỗ trợ, phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng vùng nguyên liệu cho sản phẩm OCOP đang được triển khai là yếu tố quan trọng để các chủ thể phát triển thêm những sản phẩm OCOP chất lượng cao. Qua đó, không chỉ hướng đến mục đích thúc đẩy phát triển sản xuất sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân mà còn giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn, góp phần quan trọng để các địa phương thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Bùi Minh Phương