Trao đổi với phóng viên, ông Dương Quốc Lâm - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Thủy cho biết: “Việc phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả tích cực, hầu hết các ngành, lĩnh vực có xu hướng phục hội và tăng trưởng trở lại. Với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế để không lỡ nhịp với đà phục hồi của kinh tế trong nước; đồng thời, phấn đấu hoàn thành và vượt các mục tiêu của Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đã đề ra”.
“Trong đó, UBND huyện Thanh Thủy đã tập trung xây dựng kế hoạch hành động để thực hiện đồng bộ các giải pháp. Cùng với đó, sự ủng hộ của Nhân dân và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã phát huy tác động, hiệu quả, tạo động lực khôi phục và phát triển kinh tế nhanh và bền vững”, ông Lâm chia sẻ thêm.
Cụ thể, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022 trong điều kiện các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã được nới lỏng và tình hình dịch bệnh trong cả nước đã được kiểm soát. Việc triển khai thực hiện các chính sách của Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hội, phát triển kinh tế - xã hội và chính sách mở cửa du lịch từ 15/3 đã tác động rõ nét đến hoạt động kinh tế - xã hội của huyện Thanh Thủy. Với phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid -19”, kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế, đồng hành cùng doanh nghiệp thực hiện phương án sản xuất kinh doanh, dịch vụ an toàn đã được triển khai đồng loạt và có hiệu quả.
Đặc biệt, dưới sự lãnh đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, sự lãnh đạo linh hoạt, quyết liệt của các cấp chính quyền, sự giám sát của HĐND, sự phối hợp của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, cùng sự nỗ lực của toàn thể nhân dân và doanh nghiệp, kinh tế - xã hội 6 tháng đầu nằm 2022 trên địa bàn huyện Thanh Thủy tiếp tục phát triển ổn định. Với những kết quả như tổng vốn đầu tư phát triển xã hội ước đạt 1.927,2 tỷ đồng, đạt 86,8% kế hoạch; thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 243.360 triệu đồng, đạt 60,4% kế hoạch; tỷ lên người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 92,0%...
Bên cạnh đó, về lĩnh vực phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn huyện. Dưới sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, HĐND huyện; UBND huyện đã tích cực chỉ đạo các đơn vị phối hợp với UBND các xã, thị trấn tích cực bám sát cơ sở để nắm bắt, hướng dẫn nhân dân chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ sản xuất như điều tiết nước, giống, vật tư nông nghiệp…chủ động các biện pháp ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật chăm sóc mạ, lúa mới cấy và các loại cây trồng khác, kịp thời khắc phục những diễn biến bất lợi của thời tiết. Chủ động phòng trừ sâu, bệnh gây hại đảm bảo an toàn cho sản xuất, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc. Do vậy sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm cơ bản đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Về công tác xây dựng Nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện, đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng Nông thôn mới; ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện chương trình NTM; chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP.
Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/HU ngày 11/5/2021 về duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. UBND huyện đã thành lập đoàn kiểm tra đánh giá mức độ đạt các tiêu chí Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới đối với các xã trên địa bàn huyện để đánh giá các tiêu chí và có cơ sở xây dựng kế hoạch duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025; kịp thời tháo gỡ các khó khăn để tiếp tục thực hiện duy trì và nâng cao chất lượng các chỉ tiêu, tiêu chí NTM trên địa bàn huyện. Phối hợp với các sở, ngành của tỉnh xây dựng kế hoạch phân bổ vốn đầu tư trung hạn chương trình mục tiên Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 và năm 2022.
Cùng với đó, đẩy mạnh chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện năm 2022, trong đó 6 tháng đầu năm đã đang tiến hành đánh giá các sản phẩm OCOP trước khi trình Hội đồng thẩm định chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP tỉnh đánh giá, đề nghị UBND tỉnh công nhận 5 sản phẩm mới đạt hạng 3 sao trở lên gồm Trà đinh lăng Matcha, Trà xanh túi lọc, Mật ong Tu Vũ, Đông trùng Hạ thảo Thảo Anh Minh, Bộ nhà tắm khách sạn Bambamboo.
Đối với các sản phẩm sau khi được đánh giá, phân hạng và công nhận OCOP sẽ góp phần phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế của huyện theo chuỗi giá trị, tạo thế cạnh tranh trên thị trường thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về Nông thôn mới.
Về công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, sản xuất tiếp tục được UBND huyện chỉ đạo tăng cường theo sát, nắm tình hình của doanh nghiệp; kịp thời thực hiện các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp; các cơ sở sản xuất đã tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành các đơn hàng theo kế hoạch. Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2022 tiếp tục được duy trì và phát triển.
Nhân dịp kỷ niệm 132 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, huyện Thanh Thủy đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Phú Thọ tổ chức tọa đàm chuyên đề với chủ đề “Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống - Nhìn từ khâu đột phá phát triển du lịch ở Thanh Thủy”. Tại chương trình, các đại biểu đã tham gia Giao lưu - Tọa đàm “Du lịch Thanh Thủy - Tiền năng và cơ hội phát triển”.
Qua đó, đã tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và tìm kiếm những giải pháp phát triển du lịch Thanh Thủy trong thời gian tới để du lịch Thanh Thủy “cất cánh”, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra. Trong 6 tháng đầu năm 2022, lượng khách du lịch đến huyện Thanh Thủy ước đạt 150.000 lượt người, tăng 56,3% so với cùng kỳ năm 2021; doanh thu ước đạt 90,0 tỷ đồng, tăng 300% so với cùng kỳ.
Theo đó, nhìn nhận về tổng thể trong việc phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn huyện Thanh Thủy xét về mọi mặt trong các lĩnh vực công tác đều hoàn thành tốt và phát triển có nhiều kết quả đáng mừng so với cùng kỳ năm 2021.
Những nhiệm vụ và giải pháp 6 tháng cuối năm 2022, các cấp, các ngành, đơn vị tập trung trên địa bàn huyện Thanh Thủy tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách năm 2022; căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, phát hiện tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn huyện…
Có thể nói những thành quả đạt được như trên sẽ là nền tảng vững chắc để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thanh Thủy tự tin trên hành trình xây dựng và phát triển quê hương, tiếp tục thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, bứt phá đi lên trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Sơn Thủy