Phú Thọ: Làng nghề chế biến chè Thanh Hà duy trì, phát triển thương hiệu "Chè Thanh Võ"

Làng nghề chế biến chè Thanh Hà thuộc xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, cách trung tâm huyện Thanh Sơn 7 km, gồm đông đảo bà con nhân dân quê Hà Nam lên huyện Thanh Sơn xây dựng kinh tế mới từ những năm 60 của thế kỷ trước, nên đặt tên ghép từ hai địa phương là Thanh Hà (Thanh Sơn và Hà Nam). Do diện tích đất nông nghiệp trồng lúa và hoa màu ít, kinh tế người dân chủ yếu dựa vào sản xuất trồng rừng, trồng cây lâm nghiệp như cây sơn, cây keo, cây chè và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hàng chục năm qua việc sản xuất cây chè đã trở thành tập quán của bà con nơi đây và là một nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình tại địa phương, với những giống chè bản địa của quê hương.

Cổng làng nghề chế biến chè Thanh Hà, xã Võ Miếu, Thanh Sơn, Phú Thọ.
Cổng làng nghề chế biến chè Thanh Hà, xã Võ Miếu, Thanh Sơn, Phú Thọ.

Tháng 3/2017 Hợp tác xã làng nghề chè an toàn Thanh Hà được thành lập theo quyết định của UBND huyện Thanh Sơn, gồm 30 thành viên và 48 hộ gia đình tham gia hoạt động chế biến chè, do ông Hoàng Xuân Thanh (sn 1959) một cựu chiến binh thời kỳ chiến tranh biên giới phía Bắc, làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX. Với tổng diện tích trồng chè 30 ha, sản lượng chè khô các loại hàng năm đạt được từ 70- 72 tấn, đem lại thu nhập cho người lao động từ 4 triệu đến 4,5 triệu đồng/ người/tháng, chiếm một phần đáng kể trong tổng thu nhập chung của nhiều hộ gia đình tại địa phương.

Ông Hoàng Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Làng nghề chế biến chè Thanh Hà, giới thiệu giống chè mới VN15.
Ông Hoàng Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Làng nghề chế biến chè Thanh Hà, giới thiệu giống chè mới VN15.

Ông Hoàng Xuân Thanh - Giám đốc HTX cho biết, từ khi thành lập đến nay, được sự quan tâm của Huyện Thanh Sơn, đã mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chế biến chè cho người dân làng nghề theo tiêu chuẩn Viet Gap, một số giống chè mới có năng suất cao, chất lượng tốt đã dần được người dân sử dụng thay thế các giống chè cũ. Người dân còn đầu tư mua sắm máy móc phục vụ cho việc làm cỏ, đốn chè, phun chế phẩm sinh học... Tập quán sao chè, sấy thủ công bằng chảo gang, tốn nhiều công sức trước đây, nay cũng được người dân áp dụng máy móc kỹ thuật như sấy lò quay, cối vò, hút chân không, máy ép đóng gói sản phẩm dùng điện, vừa đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm, vừa đỡ vất vả cho người lao động. Điều phấn khởi là từ năm 2018, được sự quan tâm của chương trình khuyến công tỉnh Phú Thọ, làng nghề chè Thanh Hà đã xây dựng thành công thương hiệu chè, được cục sở hữu trí tuệ công nhận thương hiệu, nhãn hiệu độc quyền: "Chè Thanh Võ". Cũng từ đó tới nay, sản phẩm chè Thanh Võ đã vinh dự nhiều lần được tham gia giới thiệu sản phẩm, bày bán tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài địa phương, được người tiêu dùng trong nước yêu thích...

Chè tươi thu hái về đang chuẩn bị đưa vào công đoạn chế biến.
Chè tươi thu hái về đang chuẩn bị đưa vào công đoạn chế biến.

Trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19 phức tạp, kéo dài, việc sản xuất và lưu thông sản phẩm chè cũng gặp nhiều khó khăn, sản phẩm thu hoạch được nhiều khi còn khó khăn về thị trường tiêu thụ, đó là chưa kể đến có trường hợp bị tư thương ép giá.., việc bảo vệ quyền lợi cho người sản xuất cũng như bảo vệ thương hiệu chè " Thanh Võ" của HTX làng nghề sản xuất và chế biến chè Thanh Hà cũng gặp nhiều khó khăn...

Người lao động đang chế biến chè.
Người lao động đang chế biến chè.

Người lao động của HTX Làng nghề sản xuất và chế biến chè Thanh Hà mong muốn thời gian tới, tiếp tục được huyện và tỉnh quan tâm hơn nữa đến việc cho vay vốn ưu đãi, nhằm đầu tư phát triển sản xuất, phát triển kinh tế làng nghề chè gắn với du lịch sinh thái, trải nghiệm các quy trình sản xuất và chế biến chè. Tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định. Để người lao động HTX làng nghề sản xuất, chế biến chè Thanh Hà yên tâm phấn khởi phát triển sản xuất, bảo vệ và phát huy có hiệu quả thương hiệu độc quyền "Chè Thanh Võ" đã được nhà nước công nhận.

Trường Sơn - Minh Đông/ VP Tây Bắc