Theo định hướng, phát triển nông, lâm nghiệp huyện Thanh Sơn giai đoạn 2021 - 2025, sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp bền vững; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; hình thành các vùng sản xuất tập trung gắn với các cây trồng, vật nuôi chủ lực của huyện; sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, nông nghiệp hữu cơ; chú trọng công tác phòng trừ sâu, bệnh hại cây trồng, dịch bệnh vật nuôi, bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn; nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, sức cạnh tranh trên thị trường.
Tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất đối với những cây trồng, vật nuôi có tiềm năng lợi thế và hiệu quả kinh tế cao ở những nơi có điều kiện; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất tạo điều kiện bố trí đất đai để phát triển các sản phẩm chủ lực của huyện.
Sản xuất vùng nguyên liệu gắn với chế biến, bảo quản sản phẩm; phát triển công nghiệp chế biến tinh, chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng, gắn với thị trường tiêu thụ.
Phát triển sản xuất gắn với đổi mới hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; tổ hợp tác hình thành chuỗi giá trị liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nông hộ trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Với mục tiêu xác lập được các vùng sản xuất sản phẩm chủ lực tập trung; thực hiện hiệu quả đồng bộ các giải pháp về bố trí đất đai, ứng dụng khoa học và công nghệ, tổ chức sản xuất… và những cơ chế chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực, nhằm hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu nhiệm vụ về quy mô sản xuất, sản lượng và giá trị sản xuất đối với sản phẩm chủ lực đã đề ra; góp phần hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thanh Sơn lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đẩy mạnh tăng trưởng bền vững ngành nông, lâm nghiệp, đưa Thanh Sơn thành trung tâm chế biến nông, lâm sản của tỉnh; nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo, góp phần phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Trên địa bàn tỉnh hiện đã hình thành được 484 vùng sản xuất tập trung với quy mô trên 13.500ha và 27 chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm, thủy sản an toàn. Các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giúp tăng năng suất, chất lượng cây trồng vật nuôi, tăng giá trị sản phẩm và từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân. Đây cũng là tiền đề quan trọng giúp các doanh nghiệp tạo ra vùng nguyên liệu lớn, mở rộng sản xuất, đưa nông sản đến với thị trường thế giới.
Nhiều mô hình hiệu quả
Thanh Sơn là huyện miền núi, khó khăn của tỉnh Phú Thọ, bởi vậy Ban chấp hành Đảng bộ huyện luôn xác định phải biến khó khăn thành hành động, xây dựng nhiều giải pháp khai thác triệt để tiềm năng, thế mạnh của huyện để tạo đà bứt phá so với năm trước.
Ông Nguyễn Duy Anh - Chủ tịch UBND huyện Thanh Sơn chia sẻ: Với một huyện miền núi thì việc xác định sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp bền vững theo mô hình trang trại là nhiệm vụ then chốt để bứt phá đi lên. Bên cạnh đó, phải chú trọng phát triển kinh tế đồi rừng, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông, lâm nghiệp; gắn kết sản xuất với chế biến tiêu thụ sản phẩm. Đi đôi với đó là đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản.
Ngoài ra, Thanh Sơn đã quy hoạch vùng sản xuất hàng hoá tập trung đối với các loại cây trồng như chè, bưởi diễn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp. Toàn huyện đã trồng 730 ha, diện tích cho quả 464 ha, sản lượng ước đạt trên 5.200 tấn. Diện tích cây chuối trồng đạt 819 ha; trong đó diện tích chuối phấn vàng được giữ ổn định 387 ha, tập trung chủ yếu tại xã Tân Minh, Tân Lập, Khả Cửu.
Xác định cây chè là cây trồng trọng điểm trong phát triển kinh tế của địa phương, huyện Thanh Sơn đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích việc xây dựng các vùng chè theo tiêu chuẩn an toàn để nhằm xây dựng thương hiệu cho chè Thanh Sơn.
Thanh Sơn đang xây dựng mô hình nâng cao chất lượng sản phẩm chè xanh Suối Reo theo hướng sản xuất hữu cơ bền vững. Tính đến thời điểm hiện tại, trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) huyện Thanh Sơn đã có 15 sản phẩm được công nhận; trong đó, có 9 sản phẩm đạt 3 sao và 6 sản phẩm đạt 4 sao bao gồm cả sản phẩm chè và thịt chua…
Phát triển kinh tế đồi rừng
Với hướng đi cụ thể, nguồn thu từ rừng và sản phẩm cây lâm nghiệp đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện miền núi Thanh Sơn (Phú Thọ) phát triển bền vững. Phát triển kinh tế đồi rừng đã và đang có những đóng góp quan trọng đối với công tác xóa đói giảm nghèo của nhiều địa phương trong huyện.
Huyện Thanh Sơn hiện có trên 45 nghìn ha đất lâm nghiệp, chiếm khoảng 73% diện tích tự nhiên. Xác định phát triển kinh tế đồi rừng là hướng đi phù hợp, Đảng bộ huyện đã ban hành nghị quyết phát triển kinh tế đồi rừng giai đoạn 2014 - 2020. Theo định hướng này, Phòng Nông nghiệp huyện đã xây dựng Đề án phát triển kinh tế đồi rừng với mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững. Huyện cũng tích cực, chủ động từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và cách thức tổ chức thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế đồi rừng đi đôi với bảo vệ rừng và môi trường. Đồng thời, cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện cũng thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân kết hợp giữa phát triển sản xuất kinh tế với bảo vệ và phát triển rừng; tuyên truyền pháp lệnh về giống cây trồng, pháp lệnh bảo vệ rừng...
Đặc biệt, Phòng Nông nghiệp huyện đã phối hợp cùng các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến và thực hiện lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án của Nhà nước thực hiện trên địa bàn; tập huấn, hướng dẫn người dân thâm canh các cây trồng phát triển kinh tế đồi rừng… Nhờ vậy, đến nay, đã có hàng trăm hộ dân mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế đồi rừng với quy mô lớn như các gia trại, trang trại nông, lâm kết hợp. Phong trào thi đua sản xuất, phát triển kinh tế đồi rừng tại các xã, thị trấn trong huyện, nhất là các xã, khu thuộc vùng đặc biệt khó khăn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Huyện Thanh Sơn đã dần hình thành được vùng sản xuất gỗ nguyên liệu với hiệu quả kinh tế cao.
Hương Cần là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Thanh Sơn; nhờ phát triển rừng, kinh tế của xã đang dần khởi sắc. Về xã Hương Cần những ngày này, chúng tôi thực sự ấn tượng trước hình ảnh của những vạt rừng xanh ngát, những cây keo thân to, cao vút đang đến tuổi thu hoạch. Theo người dân địa phương, chỉ chục năm trước, nhiều diện tích đồi rừng ở Hương Cần vẫn còn bị bỏ hoang hóa do bà con chưa thấy hết được lợi ích mà nghề rừng mang lại. Sau khi UBND xã thực hiện giao diện tích đất lâm nghiệp cho các hộ nông dân quản lý và canh tác, nhất là có một số hộ tiên phong phát triển hiệu quả kinh tế đồi rừng thì bà con đã bắt đầu thay đổi tư duy. Hiện toàn xã Hương Cần đang có trên 2.000 ha rừng sản xuất; năng suất rừng trồng đạt khoảng 70 - 80m3/ha với giá trị kinh tế khi thu hoạch ước đạt 80 - 100 triệu đồng/ha.
Có thể nói, phát triển kinh tế đồi rừng không chỉ mang lại giá trị kinh tế cho các hộ dân trên địa bàn huyện Thanh Sơn mà còn góp phần chống xói mòn, phòng, chống lũ, điều tiết nước; tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương; đồng thời, chính từ hiệu quả kinh tế đồi rừng, người dân cũng có ý thức, trách nhiệm hơn trong trồng và phát triển vốn rừng, tu bổ và bảo vệ rừng. Tuy nhiên, trong phát triển kinh tế đồi rừng trên địa bàn huyện Thanh Sơn còn một số hạn chế nhất định như: Năng suất, chất lượng rừng còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, hiệu quả rừng trồng chưa cao, lợi nhuận từ trồng rừng thấp; sản phẩm chế biến chưa đa dạng, chủ yếu là chế biến thô; chưa nhân rộng được các mô hình trang trại đồi rừng hiệu quả; các cơ sở chế biến còn phân tán, nhỏ lẻ, chưa có quy hoạch tập trung thành các khu, cụm công nghiệp, chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa các cơ sở chế biến với vùng nguyên liệu…
Để kinh tế đồi rừng tiếp tục phát triển hiệu quả, huyện Thanh Sơn sẽ chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng rừng và các sản phẩm lâm nghiệp, thực hiện tốt việc gắn trồng, chăm sóc rừng với phát triển trang trại đồi rừng; chuyển đổi rừng trồng bạch đàn tái sinh bằng các các giống có chất lượng cao như keo lai, mỡ, quế…; từng bước thí điểm phát triển cây dược liệu dưới tán rừng và khai thác, phát triển du lịch sinh thái… Đó là “chìa khóa” để kinh tế đồi rừng ở Thanh Sơn thực sự phát triển hiệu quả, bền vững góp phần nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc trong huyện và thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục tham mưu với tỉnh chỉ đạo quyết liệt quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản gắn với cơ cấu lại sản xuất, các kế hoạch đã được ban hành; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để người dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, khuyến khích phát triển trang trại, gia trại tăng quy mô sản xuất.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp sẽ thường xuyên cập nhật thị trường và thực tiễn để định hướng sản xuất; tập trung phát triển nhanh các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn trên cơ sở phát huy lợi thế, thế mạnh đối với các sản phẩm chủ lực của từng địa phương; tăng cường sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ gắn với phát triển nhanh công nghiệp chế biến, bảo quản... Đồng thời, tập trung xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, tiến tới liên kết theo chuỗi, bảo đảm đầu ra, nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.
Hoài Nam