Xã Võ Miếu có 22 khu dân cư, tổng diện tích tự nhiên 4.849,5ha, dân số 12.765 người/3.016 hộ, trong đó người Mường chiếm 45,7%, người Kinh chiếm 48,8%, còn lại là người Dao và các dân tộc khác. Là xã đông dân cư thứ hai của huyện, từ trước đến nay, nguồn thu của người dân trong xã vẫn chủ yếu từ sản xuất nông, lâm nghiệp.
Xác định việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng sẽ tạo bước đột phá về phát triển kinh tế, Đảng bộ, chính quyền xã đã chủ động đề ra các giải pháp để phát triển, trong đó chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông lâm nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường, từng bước hướng tới tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung.
Để làm được điều đó, xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán canh tác, trong đó tập trung chuyển đổi diện tích những cây trồng cho năng suất thấp sang trồng các giống chè cho năng suất cao. Trước năm 2001, diện tích chè ở Võ Miếu mới có hơn 100 ha, chủ yếu là chè giống cũ, năng suất thấp nhưng từ khi cây chè được xác định là cây xóa đói giảm nghèo và mở ra cơ hội làm giàu cho nhiều hộ dân thì diện tích chè trong xã đã tăng lên nhanh chóng. Hiện nay, với 312 ha chè, trong đó có 271 ha đã cho thu hoạch, xã Võ Miếu trở thành một trong những xã có diện tích chè lớn của huyện Thanh Sơn.
Trong vòng 10 năm qua, nhân dân trong xã Võ Miếu đã tiến hành cải tạo thay thế trên 100 ha chè giống trung du cũ bằng các giống chè lai, mỗi năm trồng mới 10-15 ha chè trên các diện tích đã được quy hoạch. Nhiều đồi chè nhờ chăm sóc tốt đã cho năng suất cao gấp 1,5-2 lần so với trước, cá biệt có nơi đạt 20-25 tấn/ha. Đặc biệt năm 2010 được sự hỗ trợ của Dự án sản xuất chè an toàn do Bộ NN&PTNT làm chủ đầu tư, nhiều hộ trồng chè đã tích cực tham gia quy trình trồng, chăm sóc và chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích thí điểm ban đầu là 30 ha. Sau khi được cán bộ Cục Bảo vệ thực vật Trung ương, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, Trạm Bảo vệ thực vật huyện hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm bón, phun thuốc bảo vệ thực vật và chế biến sau thu hoạch... chè Võ Miếu đã được các khách hàng gần xa tìm đến.
Thông qua dự án người dân được hỗ trợ làm đường giao thông vào vùng chè, xây dựng hệ thống bơm tưới chè và nhà máy chế biến công suất 2,5-3 tấn chè tươi/ngày... với tổng giá trị đầu tư hơn 15 tỷ đồng. Từ hiệu quả mô hình 30ha chè an toàn ban đầu đến nay đã lan rộng ra nhiều khu dân cư trong xã, người dân ở đây đã có sự thay đổi rõ nét cả về tư duy và phương thức canh tác; trong chế biến cũng đã từng bước thay thế các thiết bị thủ công lạc hậu, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm bằng các thiết bị chế biến mới.
Năm 2020, mặc dù ảnh hưởng của thời tiết diễn biến thất thường từ đầu vụ, cây chè sinh trưởng và phát triển kém hơn so với các năm trước, nhưng năng suất chè bình quân của xã vẫn đạt 11,2 tấn/ha, sản lượng ước đạt 3.035 tấn. Ngoài diện tích trồng chè, xã đã vận động nhân dân phát triển mô hình kinh tế tổng hợp nuôi trâu, bò, lợn, gà ri, trồng sơn và cấy đủ 100% diện tích lúa, trong đó lúa lai chiếm hơn 70%. Người dân tích cực áp dụng các tiến bộ như gieo cấy thâm canh cải tiến (SRI), giàn sạ, đưa máy móc vào làm đất, thu hoạch sản phẩm.
Ông Đinh Văn Lượng, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Trong cơ cấu kinh tế của xã, nông lâm nghiệp chiếm khoảng 94%, còn lại là thương mại - dịch vụ. Để phát triển kinh tế theo hướng bền vững, Đảng ủy, UBND xã đã đưa vào thực hiện sản xuất chè theo hướng an toàn gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm, tuyên truyền vận động nhân dân đầu tư trồng mới, mở rộng diện tích chè, cải tạo thay thế các giống chè cũ năng suất, chất lượng thấp bằng các giống chè mới chất lượng cao như: LDP1, LDP2, PH1 và một số giống chè lai đặc sản như: Kim Tuyên, Bát Tiên, DT95... đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, sản lượng chè. Hiện nay, các gia đình trồng và sản xuất chè trên địa bàn xã và Câu lạc bộ sinh kế cộng đồng xã đã tự xây dựng thương hiệu chè theo hình thức sản xuất chè sạch, an toàn... góp phần lớn trong việc nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm cho lao động địa phương”.
Ông Kiều Đức Mạnh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thanh Sơn cho biết: “Thay đổi tư duy sản xuất chè sạch của người dân bắt đầu từ công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức cho người dân thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn hay học ngay trên đồng ruộng. Nhờ đó, giờ đây nông dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật sản xuất chè, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường”.
Đặc biệt, xã Võ Miếu vào năm 2014 để khảo sát tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới và công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm và làm việc tại xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ).
Trao đổi ý kiến với cán bộ địa phương, nói chuyện cùng bà con, Tổng Bí thư đánh giá cao nỗ lực của cấp ủy, chính quyền trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng băn khoăn, vì sao tỷ lệ hộ nghèo của xã còn cao, của huyện lại càng cao (20,39%), làm thế nào để giúp bà con giảm nghèo?
Do làm tốt công tác chuyển dịch cơ cấu kinh tế nên từ một xã có số hộ nghèo cao, đến nay thu nhập bình quân đạt trên 18 triệu đồng/người/tháng; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 10,5%, hộ cận nghèo chỉ chiếm 7,9%. Toàn xã có 2.100 hộ đạt gia đình văn hóa, chiếm 70%; 100% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia... Có điều kiện kinh tế, các gia đình tập trung đầu tư cho con em học hành, xây dựng nhà cửa, ủng hộ khu dân cư, xã trong việc làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hoá.
Võ Miếu hôm nay đã thay da đổi thịt, nhịp sống mới ở vùng đất nông thôn miền núi đang khởi sắc nhờ sự đổi mới trong cách nghĩ, cách làm của đội ngũ lãnh đạo xã và sự bắt nhịp kịp thời của người dân theo nhu cầu thị trường góp phần đảm bảo an sinh xã hội, an ninh trật tự được giữ vững tạo nền tảng vững chắc để xã Võ Miếu vươn lên phát triển bền vững và sớm hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới theo đúng lộ trình./.
Sơn Thủy