Phú Thọ: Sản lượng chè búp tươi toàn tỉnh đạt gần 179.000 tấn/năm

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích cây chè của tỉnh Phú Thọ hiện nay là 14.000ha (đứng thứ 3 toàn quốc sau tỉnh Thái Nguyên và Hà Giang), sản lượng chè búp tươi đạt 178.900 tấn/năm.

Sản xuất chè hữu cơ góp phần bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững, được áp dụng khoa học công nghệ vào việc thu hái mang lại hiệu quả kinh tế cao tại huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Phi Long.
Sản xuất chè hữu cơ góp phần bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững, được áp dụng khoa học công nghệ vào việc thu hái mang lại hiệu quả kinh tế cao tại huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Phi Long.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất chè tập trung tại địa bàn các huyện trọng điểm (Đoan Hùng, Hạ Hòa, Thanh Ba, Yên Lập, Thanh Sơn, Tân Sơn...) với diện tích 5.800ha; đã cấp 62 mã số vùng trồng, với diện tích 2.031ha.

Nhờ thay đổi cơ cấu giống, tỷ lệ chè giống mới hiện nay đạt 78%; tuy nhiên, chủ yếu vẫn là các giống phục vụ chế biến chè đen: LDP1, LDP2, PH 11...; một số giống phục vụ chế biến chè xanh chất lượng cao đã được đưa vào sản xuất nhưng quy mô còn nhỏ: Phúc Vân Tiên, PT 95, TRI 5.0, PH8, PH10...

Trong đó, cùng với trồng, chăm sóc chè, lĩnh vực chế biến cũng được quan tâm phát triển. Toàn tỉnh hiện có 60 công ty, doanh nghiệp chế biến chè với quy mô trên 1 tấn búp tươi/ngày; hơn 1.000 cơ sở chế biến chè thủ công; 15 làng nghề và 18 HTX sản xuất, chế biến chè; có 29 sản phẩm chè được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có sản phẩm chè đinh cao cấp Hoài Trung được chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao.

Một số sản phẩm chè tiêu biểu của tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Phi Long.
Một số sản phẩm chè tiêu biểu của tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Phi Long.

Đặc biệt, để đạt được mục tiêu đến năm 2025 duy trì ổn định diện tích chè hiện có, trong đó vùng sản xuất chè xanh 3.200ha; đa dạng hóa sản phẩm chè, phấn đấu tỷ lệ chè xanh và các sản phẩm chè chế biến sâu (Ô long, thảo dược, matcha,... ) đạt trên 40% trong cơ cấu chế biến, tỉnh đang phối hợp với các cơ quan chuyên môn, nhà khoa học triển khai các chương trình, dự án chọn lọc, chuyển giao các giống chè có năng suất, chất lượng cao phục vụ chế biến chè xanh tại các huyện Tân Sơn, Thanh Sơn; chọn lọc, phát triển chè Trung du búp tím tại huyện Thanh Ba. Hoàn thiện quy trình chăm sóc cho từng nhóm giống chè nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả. Chuyển giao công nghệ chế biến sâu các sản phẩm từ chè nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị (Ô long, matcha, chè túi lọc, chè phục vụ làm thực phẩm, chè phục vụ cho chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh,...).

PHI LONG