Phú Thọ: Xã Yên Sơn chung sức đồng lòng xây dựng nông thôn mới

Yên Sơn là xã đặc biệt khó khăn của huyện Thanh Sơn (Phú Thọ), xã có 12 khu thì có bốn khu xóm vùng cao với 100% đồng bào Dao sinh sống. Xã nằm cách trung tâm huyện gần 40km, có đường tỉnh lộ 316 chạy qua, diện tích tự nhiên gần 5.200ha, trong đó chiếm 70% là đất đồi rừng. Khoảng chục năm trở về trước, nơi đây vẫn là một vùng quê nghèo, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn.

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, việc triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tại xã Yên Sơn được ví như một hành trình “vượt dốc”, đòi hỏi không chỉ sự kiên trì mà còn cần sự đồng lòng từ chính quyền đến người dân.

Đồng chí Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch UBND xã Yên Sơn, cho biết: Mặc dù còn nhiều khó khăn, song các cấp ủy, chính quyền xã luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tìm nhiều giải pháp đồng bộ phát triển kinh tế nhằm hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo, nâng cao thu nhập. Hàng năm, Yên Sơn ban hành các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, tập trung vào công tác lãnh đạo phát triển kinh tế hộ gia đình, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Tận dụng lợi thế giao thông thuận lợi, nhiều hộ dân ở khu Liên Chung đã mạnh dạn phát triển kinh tế theo hướng kinh doanh, dịch vụ, cho hiệu quả kinh tế cao.
Tận dụng lợi thế giao thông thuận lợi, nhiều hộ dân ở khu Liên Chung, xã Yên Sơn đã mạnh dạn phát triển kinh tế theo hướng kinh doanh, dịch vụ, cho hiệu quả kinh tế cao.

Với diện tích đất sản xuất như hiện nay, xã chỉ đạo sử dụng triệt để, không để đất trống; khuyến khích phát triển kinh tế đồi rừng, phát triển đàn gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản; từng bước cải tạo, đưa các giống cây, con mới, năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất, tính đến ngày 20/11/2024, xã đã hoàn thành 12/19 tiêu chí NTM. Những kết quả này đánh dấu một bước tiến quan trọng, đặc biệt trong các lĩnh vực như cơ sở vật chất văn hóa, thủy lợi, điện, thông tin - truyền thông, tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế và an ninh trật tự.

Chị Nguyễn Thị Kim Hà ở khu Mố, xã Yên Sơn chăm sóc vườn chè nhận khoán.
Chị Nguyễn Thị Kim Hà ở khu Mố, xã Yên Sơn chăm sóc vườn chè nhận khoán.

Đáng chú ý, xã đã đạt tỷ lệ 99,6% người dân tham gia bảo hiểm y tế, 100% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học lên bậc học cao hơn, và toàn bộ hệ thống cán bộ công chức xã đều đạt chuẩn. Các mô hình liên kết sản xuất nông sản chủ lực như chè và bưởi diễn theo tiêu chuẩn VietGAP cũng bước đầu được hình thành, tạo nền móng cho phát triển nông nghiệp hàng hóa và thương hiệu nông sản địa phương.

Thành công bước đầu của Yên Sơn đến từ tinh thần đoàn kết và sự đồng thuận cao trong toàn hệ thống chính trị và nhân dân. Các hoạt động như duy tu, sửa chữa đường giao thông nông thôn, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, cũng như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã tạo nên khí thế thi đua sôi nổi tại các khu dân cư.

Mô hình trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi đem lại thu nhập ổn định cho gia đình ông Nguyễn Đăng Hữu.
Mô hình trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi đem lại thu nhập ổn định cho gia đình ông Nguyễn Đăng Hữu ở xã Yên Sơn.

Chính quyền xã đã phát huy tối đa phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, từng bước cải thiện hạ tầng, nâng cao dân trí và đời sống vật chất - tinh thần của người dân.Tuy nhiên, con đường đến đích NTM của Yên Sơn vẫn còn nhiều chông gai. Trong số 7 tiêu chí chưa đạt, nổi bật là tiêu chí về quy hoạch, giao thông, trường học, thu nhập, hộ nghèo, môi trường và tổ chức chính trị xã hội.

Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người năm 2024 chỉ đạt 27 triệu đồng/người/năm, thấp hơn nhiều so với ngưỡng 42 triệu đồng đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức cao 22,72%, ảnh hưởng đến nhiều chỉ số phát triển. Đặc biệt, xã vẫn còn tới 8 hộ sống trong nhà tạm, chất lượng hạ tầng giao thông, trường học và dịch vụ công cộng chưa đồng đều, gây cản trở lớn đến chất lượng sống và sản xuất.

Một rào cản không nhỏ khác là do đặc điểm địa hình rộng và phân tán, việc triển khai các công trình công cộng như đường liên thôn, hệ thống cấp nước sạch tập trung hay chợ dân sinh gặp nhiều vướng mắc về vốn và thủ tục. Trước thực tế còn nhiều tiêu chí chưa đạt, Yên Sơn đã đặt ra kế hoạch cụ thể để hoàn thành mục tiêu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới trong thời gian tới.

Về quy hoạch, xã sẽ khẩn trương hoàn thiện quy hoạch giai đoạn 2021 - 2025, đồng thời cập nhật các hạng mục đầu tư, nhất là về giao thông, cấp nước và chợ dân sinh. Việc xây dựng các tuyến đường nội đồng, đường ngõ xóm sẽ được ưu tiên trong kế hoạch vốn trung hạn, kết hợp nguồn xã hội hóa và hỗ trợ từ cấp trên.

Đơn vị thi công cho máy móc khắc phục đoạn sạt lở tại cống cọc 22 trên tuyến đường giao thông liên xã Yên Sơn - Lương Nha.
Đơn vị thi công cho máy móc khắc phục đoạn sạt lở tại cống cọc 22 trên tuyến đường giao thông liên xã Yên Sơn - Lương Nha.

Trong lĩnh vực thu nhập và sản xuất, Yên Sơn tiếp tục thúc đẩy các mô hình kinh tế tập thể, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất cây trồng và vật nuôi, phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, xã sẽ tập trung đào tạo nghề, kết nối lao động với thị trường việc làm trong và ngoài tỉnh để nâng cao thu nhập cho người dân.

Công cuộc xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc nhưng mỗi chặng đường đã qua đều ghi dấu nỗ lực và thành công của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Yên Sơn. Tin rằng, với luồng sinh khí mới cùng quyết tâm cao trong xây dựng NTM, Yên Sơn sẽ đạt được mục tiêu đề ra để tiếp đà cho sự phát triển giàu mạnh hơn nữa trong tương lai.

Xuân Sỹ - Thùy Linh