Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có 16.181ha chè. Năm 2019, năng suất chè đạt 109,4 tạ/ha, sản lượng 170,15 ngàn tấn; năng suất chè búp tươi bình quân trên diện tích cho sản phẩm đạt 103,68 tạ/ha (năng suất của các doanh nghiệp là 137,11 tạ/ha, năng suất của các hộ dân là 90,9 tạ/ha). Phú Thọ hiện đứng thứ 4 về diện tích, thứ 3 về sản lượng chè trong số các tỉnh sản xuất chè của cả nước. Sản phẩm chè của Phú Thọ đã được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới: Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Đức, Mỹ, Hà Lan…
Tại các vùng thổ nhưỡng thích hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cây chè, thời gian qua tỉnh đã khảo sát và xây dựng mô hình sản xuất, chế biến chè an toàn tại các huyện như: Thanh Sơn, Hạ Hòa, Đoan Hùng, Thanh Ba, Tân Sơn, Phù Ninh… với tổng diện tích 153,3ha sản xuất chè búp tươi an toàn theo quy trình VietGAP. Ngoài ra, tỉnh cũng đã xây dựng mô hình chuỗi kiểm soát chè an toàn tại hai huyện Thanh Sơn và Yên Lập với quy mô gần 57ha.
Tỷ lệ diện tích chè giống mới có năng suất, chất lượng cao như LDP1, LDP2, chè Ấn Độ, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, Bát Tiên… chiếm trên 73%; mở rộng diện tích sản xuất chè theo quy trình an toàn đạt 2,1 nghìn ha. Sản phẩm tại các mô hình chè sẽ được kiểm soát an toàn thực phẩm trong toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh, được chứng nhận gắn tem, nhãn để người tiêu dùng nhận diện được sản phẩm an toàn và có thể truy xuất được nguồn gốc.
Việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất chè được đẩy mạnh. Toàn tỉnh đã có khoảng hơn 2 nghìn máy hái chè, gần 1.500 máy đốn chè góp phần tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả sản xuất và chất lượng chè nguyên liệu. Bên cạnh vùng trồng chè an toàn, tỉnh hiện có 59 cơ sở chế biến chè có công suất trên 1 tấn búp tươi/ngày; 1.281 cơ sở chế biến chè thủ công, nhỏ lẻ; 15 làng nghề và 8 hợp tác xã sản xuất, chế biến chè. Từng bước xây dựng thương hiệu chè Phú Thọ với các nhãn hiệu như: Chè Bảo Long, chè Hà Trang, chè Phú Hộ, chè Chùa Tà; hình thành và phát triển 15 làng nghề sản xuất, chế biến chè xanh.
Ngoài việc tuyên truyền cho người dân về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất thì các lớp tập huấn cũng thường xuyên được tổ chức, hướng dẫn người trồng chè tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn kỹ thuật trồng mới như: Thiết kế đồi chè chống xói mòn, trồng mật độ hợp lý, trồng cây che bóng, bón phân chuyên dùng, quản lý dịch hại tổng hợp, ứng dụng cơ giới hóa, sản xuất chè theo quy trình an toàn…
Cây chè là cây trồng trọng điểm trong phát triển kinh tế của địa phương cùng với các loại cây lâm nghiệp khác, thời gian qua UBND huyện Thanh Sơn đã đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích việc xây dựng các vùng chè theo tiêu chuẩn an toàn để nhằm xây dựng thương hiệu cho chè Thanh Sơn. Tính đến nay, tổng diện tích chè của toàn huyện đã đạt trên 2.260ha, trong đó diện tích chè trong dân chiếm gần 1.500ha, còn lại là diện tích trồng của các doanh nghiệp chuyên sản xuất và chế biến chè; năng suất bình quân đạt115tạ/ha/năm, sản lượng đạt 25.998 tấn, doanh thu 46 triệu đồng/ha/năm.
Trước đây, các vườn chè trên địa bàn huyện chủ yếu là chè hạt, già cỗi, cây không đồng đều, năng suất và chất lượng kém. Thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp của trung ương và của tỉnh, UBND huyện Thanh Sơn đã chỉ đạo trồng thay thế toàn bộ diện tích chè cằn xấu, giống cũ bằng các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao; công tác cải tạo, phát triển chè, cơ cấu giống chè trên địa bàn huyện có sự chuyển biến tích cực; tỷ lệ các giống chè mới (LDP1, LDP2, PH1) đạt 65% tổng diện tích chè của huyện từ đó góp phần đưa giá trị sản phẩm chè ổn định, tạo niềm tin cho nông dân đầu tư vào sản xuất và chế biến chè thương phẩm.
Ông Kiều Đức Mạnh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thanh Sơn cho biết: “Thay đổi tư duy sản xuất chè sạch của người dân bắt đầu từ công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức cho người dân thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn hay học ngay trên đồng ruộng. Nhờ đó, giờ đây nông dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật sản xuất chè, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường”.
Thời gian tới, huyện Thanh Sơn tiếp tục rà soát lại quy hoạch đất nông nghiệp để xây dựng và phát triển vùng chè an toàn. Nội dung chủ đạo là giữ ổn định diện tích chè hiện có; đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật trồng mới, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật, đốn, hái... để vừa có năng suất cao, vừa có chè chất lượng tốt; củng cố và đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, điện, đường… vùng chè. Phấn đấu năm 2020 năng suất chè bình quân đạt trên 15 tấn/ha/năm, nâng tỷ lệ cơ cấu chè giống mới trên 80%.
Mặc dù là ngành mũi nhọn, song ngành chè của tỉnh cũng đang gặp phải nhiều khó khăn, hạn chế do các doanh nghiệp chế biến chè thường xuyên gặp vấn đề về nguồn nguyên liệu đầu vào. Hiện tại, vùng nguyên liệu trong tỉnh cũng mới chỉ đáp ứng 64,6% nhu cầu nguyên liệu; số nguyên liệu còn lại phải thu mua ở các tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang… Một số cơ sở chế biến chè không có vùng nguyên liệu, không chủ động được sản xuất, tình trạng tranh mua, tranh bán nguyên liệu diễn ra ngày càng gay gắt dẫn đến nguyên liệu không đạt yêu cầu, chất lượng không cao, lợi nhuận thấp.
Trong khi đó, vẫn còn tình trạng người trồng chè vẫn chưa tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật trồng và thu hái chè. Đặc biệt là thời điểm thu hoạch chè, nhiều hộ sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, kích thích sinh trưởng tạo độ phát triển nhanh cho cây mà không chú ý đến dư lượng cũng như thời gian cách ly. Những bài học về chè vàng, chè bẩn đã xảy ra chính là lời cảnh báo cho người trồng chè nếu chỉ hám lợi trước mắt thì sẽ làm mất dần uy tín đối với sản phẩm chè đất Tổ.
Từ thực tế trên có thể thấy, một trong những yếu tố quan trọng trong việc giữ vững và mở rộng thị trường tiêu thụ chè là phải đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong đó, phải xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, tổ chức sản xuất và quản lý theo chuỗi giá trị; quy hoạch ổn định vùng chè an toàn ở các vùng chè trọng điểm; xây dựng quy chế quản lý gắn vùng nguyên liệu với cơ sở chế biến, từ đó mới tăng giá trị, hiệu quả cây chè và xây dựng được thương hiệu chè Phú Thọ./.
Sơn Thủy