Phú Thọ: Xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm gắn với ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số

Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch được coi là yếu tố quan trọng góp phần vào sự phát triển chung của ngành Du lịch. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà UBND huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) quyết tâm thực hiện trong năm 2022.

Trong những năm qua, hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, thu hút đầu tư du lịch được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, hướng vào tiềm năng, thế mạnh của các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh và có hiệu quả nhất định. Để du khách có thể biết đến vẻ đẹp tự nhiên cùng các giá trị di sản văn hóa vùng đất Tổ, thì việc tham gia các hội nghị xúc tiến, các cuộc triển lãm, hội chợ du lịch trong và ngoài nước được ngành Du lịch “khai thác” tối đa.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ cho biết, trong những năm qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp và triển khai hiệu quả chương trình OCOP. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp đơn vị tư vấn, UBND các huyện, thành phố, thị, hỗ trợ tư vấn cho 51 chủ thể có sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP về phát triển sản phẩm và hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm. Đến nay, toàn tỉnh có 78 sản phẩm, nhóm sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh (48 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 30 sản phẩm hạng 4 sao) của 46 chủ thể, trong đó có 12 chủ thể là doanh nghiệp; 26 chủ thể là hợp tác xã....

Việc triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua đã tạo làn gió mới cho khu vực kinh tế nông thôn, tạo đà thúc đẩy và nâng cao năng lực của các chủ thể, nhất là khu vực làng nghề, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông, lâm, thủy sản đặc sản; hình thành vùng sản xuất nông sản sạch, an toàn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với các chuỗi giá trị sản phẩm. Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn và là giải pháp quan trọng để thực hiện nhóm tiêu chí về sản xuất, thu nhập, hộ nghèo trong chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Trong năm 2022, tuần lễ quảng bá, giới thiệu và liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP gắn với du lịch Phú Thọ đã tạo điều kiện thuận lợi cho du khách có thể tiếp cận được các sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của tỉnh Phú Thọ, qua đó kích thích nhu cầu mua sắm của du khách, tăng cường tuyên truyền, quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh đến với du khách; góp phần hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất các sản phẩm OCOP, nông sản đặc sản đặc trưng và các hãng lữ hành được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, du lịch, đáp ứng nhu cầu của nhân dân địa phương và của vùng.

Cũng trong dịp này, tỉnh Phú Thọ còn triển khai chương trình Hội nghị xúc tiến giới thiệu điểm tham quan mua sắm sản phẩm OCOP, kết nối xây dựng tour du lịch trải nghiệm “Về miền Đất Tổ”. Đây là hoạt động có ý nghĩa góp phần hình thành điểm tham quan, mua sắm phục vụ nhân dân và du khách về với vùng Đất Tổ, góp phần đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ du lịch, tăng mức chi tiêu của du khách khi đến Phú Thọ; nhằm liên kết phát triển du lịch vùng miền, mở rộng thị trường, tìm kiếm cơ hội du lịch cho các hãng lữ hành trong tình hình hiện nay.

Đồi chè Thanh Sơn - Địa điểm thu hút khách du lịch

Đi vào sản xuất từ năm 1979, những năm gần đây diện tích các đồi chè tại huyện Thanh Sơn đang dần được mở rộng. Hơn nữa với việc áp dụng các kỹ thuật chăm bón tiên tiến, hiện đại, sản lượng chè tại đây đang ngày một tăng, thương hiệu chè dần khẳng định tên tuổi trên thị trường trong và ngoài nước.

Chè đang trở thành cây kinh tế chủ lực của huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ.
Chè đang trở thành cây kinh tế chủ lực của huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ.

Người dân Thanh Sơn tham gia chăm sóc, thu hoạch chè theo mô hình hợp tác nông trường liên kết sản xuất với các công ty, nhờ đó quá trình chăm sóc và kỹ thuật canh tác được tư vấn và hỗ trợ nhiệt tình. Theo chị Võ Thị Hoa (trú tại đội 7- xã Địch Quả - Thanh Sơn - Phú Thọ) cho biết: “Nhà tôi có 4000 m2 diện tích chè được phân công nằm bên tỉnh lộ. Nhờ hợp tác sản xuất với công ty Chè Phú Đa nên chi phí chăm bón cũng như các kỹ thuật chăm sóc chè được tạo điều kiện hoàn toàn. Mỗi năm đồi chè cho thu hoạch 6 đến 7 lần, tính ra gần 13 tấn chè thành phẩm, tương đương với 40 triệu đồng. Nhờ hợp tác với công ty nên hàng năm các gia đình ở đây không phải lo về đầu ra của sản phẩm, đời sống vì thế cũng được cải thiện hơn”.

Được biết huyện Thanh Sơn có 100% hộ dân đều sản xuất chè. Lá chè tươi sau khi được thu mua và chế biến thành phẩm được đem đi xuất khẩu ra các nước trên thế giới. Riêng một số hộ sản xuất theo mô hình hộ gia đình thì chè được phân phối trong nước. Điều kiện khí hậu thổ nhưỡng không phù hợp cho sản xuất hoa màu, tuy nhiên cây chè lại phát triển tốt và mang lại thu nhập cho người dân Thanh Sơn. Không cần tưới tiêu, quy trình chăm bón tương đối đơn giản, thích ứng tốt với sự thay đổi thất thường của thời tiết, cây chè trở thành loại cây kinh tế chủ lực của địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo, giúp người dân nâng cao đời sống, đi lên bền vững. Được biết năm 2018, huyện Thanh Sơn đã bắt đầu chương trình xây dựng nông thôn mới và phấn đấu đến năm 2020 tất cả các đơn vị cuả huyện sẽ được được đón nhận danh hiệu nông thôn mới.

Không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho người dân, những đồi chè xanh mát nằm thoai thoải dọc theo miền trung du còn là địa điểm thu hút khách du lịch ghé thăm. Theo người dân địa phương chia sẻ, cứ đến mùa cưới nhiều cặp đôi lại ưu ái chọn nơi đây làm điểm chụp ảnh, lưu giữ những khoảnh khắc trọng đại trong đời. Cùng với đó, vẻ đẹp của đồi chè còn thu hút hàng trăm lượt khách du lịch ghé thăm mỗi dịp cuối tuần.

Những đồi chè giờ đây còn có cả những con đường lớn thuận tiện cho du khách có thể lái ô tô đi sâu vào giữa đồi thăm thú và chụp ảnh. Dọc theo đường tỉnh lộ chạy qua huyện Thanh Sơn, không chỉ có những đồi chè mướt mắt, còn có những đàn bướm rợp trời quanh năm bay lượn tạo nên một khung cảnh níu chân người qua đường.

Là cây kinh tế chủ lực của địa phương, giờ đây những đồi chè lại góp phần tạo điểm nhấn thúc đẩy phát triển du lịch cho khu vực. Có thể nói cây chè Thanh Sơn đang đưa địa phương đi lên, ngày càng phát triển mạnh mẽ và hội nhập toàn diện với nền kinh tế của cả nước.

Thịt chua Thanh Sơn - Sản phẩm đặc trưng không thể thiếu khi du khách về với Đất Tổ

Nhắc đến huyện vùng cao Thanh Sơn, người ta thường nhắc đến văn hóa ẩm thực đa dạng, phong phú mà chỉ mới nghe tên các món ăn mà ai nấy cũng đã xốn xang như “Lạ lùng rêu đá, đậm đà thịt chua”. Thịt chua là một món quà nhỏ đầy ý nghĩa, lưu lại hương vị miền đất núi rừng, tinh hoa ẩm thực của con người Đất Tổ, làm cho du khách thập phương mãi không quên.

Phú Thọ: Xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm gắn với ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số - Ảnh 1

Vài năm gần đây, sản phẩm thịt chua đã được gắn với tour du lịch qua thị trấn Thanh Sơn, du khách vừa được ngắm cảnh đồi chè vừa được thưởng thức đặc sản thịt chua và trải nghiệm quy trình làm thịt chua. Quan trọng hơn thịt chua đã trở thành sản phẩm đặc trưng không thể thiếu cho du khách khi về với Đất Tổ.

Nhắc đến bánh chưng Đất Tổ không thể không nói đến huyện Cẩm Khê có bánh chưng Cát Trù hay bánh chưng làng cổ Hùng Lô, thành phố Việt Trì là niềm tự hào về một nghề truyền thống gắn liền với sự tích "Bánh chưng, bánh dầy" vùng Đất Tổ.

Nhiều du khách thập phương khi về Đất Tổ, nhất định phải mua những chiếc bánh chưng về làm quà. Từ đó, mà bánh chưng Cát Trù hay bánh chưng làng cổ Hùng Lô đã trở thành đặc sản yêu thích của cộng đồng người Việt.

Xuất phát từ chủ trương mỗi xã xây dựng nông thôn mới gắn với sản phẩm đặc thù địa phương nên huyện Phù Ninh đã lựa chọn xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá thính. Tháng 7-2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh giai đoạn 2016-2020, năm 2019: Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm cá thính xã Tử Đà. Đó là cơ hội để sản phẩm cá thính khẳng định vị trí trên thị trường, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Có thể thấy, phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, hấp dẫn chính là điều kiện đảm bảo để thực hiện mục tiêu xây dựng Phú Thọ trở thành địa bàn trọng điểm du lịch của vùng.

Thiên Ân