CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) đã công bố BCTC quý I/2021 với doanh thu thuần tăng 44% lên 7.182 tỷ đồng. Khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp thu về 1.325 tỷ đồng, tăng 26% so với quý I/2020, lãi sau thuế gần 513 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu vàng miếng và nhẫn trơn đạt 2.050 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ. Đây là mức lãi lớn nhất theo quý của doanh nghiệp.
Biên lợi nhuận gộp và biên lợi nhuận ròng quý I/2021 lần lượt giảm -2,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ và -1,0 điểm phần trăm so với cùng kỳ, xuống 18,4% và 7,1% do cơ cấu sản phẩm thay đổi cùng với doanh thu vàng miếng cao hơn và chi phí tiếp thị và khuyến mãi cao hơn.
Với kết quả này, doanh nghiệp đã thực hiện được 34% kế hoạch doanh thu năm và gần 42% kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2021.
Giải thích về sự tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận, PNJ cho biết, quý I/2021 sức mua thị trường bắt đầu khởi sắc và hồi phục hơn so với cùng kỳ năm 2020 ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Số liệu phân tích từ báo cáo của Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, doanh số bán lẻ tháng 3 năm 2021 tăng gần gấp đôi so với năm ngoái, với mức tăng đạt 91% so với cùng kỳ. Qua đó, tốc độ tăng trưởng doanh số của mảng này trong quý I/2021 tăng lên mức 34% từ mức lũy kế 16% so với cùng kỳ trong 2T-2021.
VDSC cho biết, mặc dù tốc độ tăng trưởng đột biến này chủ yếu nhờ mức cơ sở thấp trong tháng 3 năm 2020 khi đại dịch bắt đầu ảnh hưởng đến hoạt động của PNJ, VDSC tin rằng điều này cũng thể hiện tín hiệu phục hồi rõ ràng hơn của nhu cầu tiêu dùng trang sức. Bên cạnh đó, VDSC cũng tin rằng vị thế dẫn đầu thị trường của PNJ tiếp tục được củng cố sau đại dịch khi tăng trưởng doanh thu bán lẻ tiếp tục vượt trội hơn so với mức tăng trưởng của doanh thu bán sỉ (28% so với cùng kỳ trong quý I/2021). VDSC cho rằng do nhiều hoạt động khuyến mãi và đặc biệt là sự tận dụng tốt hơn kênh tiếp thị kỹ thuật số (chi phí bán hàng tăng 37% so với cùng kỳ trong quý I/2021) cũng đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng doanh số của mảng này trong giai đoạn vừa qua.
Trong năm 2021, PNJ lên kế hoạch phát triển chuỗi cung ứng tự chủ, hướng đến dòng sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, mở rộng mạng lưới bán lẻ. Song song, Công ty cũng tiếp tục tái cơ cấu hàng tồn kho, tối ưu hóa giá thành... Ban lãnh đạo PNJ cũng xác định tầm nhìn mới là trở thành công ty hàng đầu châu Á về chế tác trang sức và bán lẻ sản phẩm, tôn vinh vẻ đẹp, vươn tầm thế giới.
Theo VDSC, trong quý I/2021, PNJ đã mở 4 cửa hàng trang sức vàng nhưng đóng cửa 1 cửa hàng trang sức vàng bên cạnh việc đóng cửa 1 cửa hàng PNJ Silver và 1 cửa hàng trang sức PNJ CAO Fine (thương hiệu trang sức cao cấp của PNJ).
Tại ĐHCĐ vừa qua, PNJ đặt mục tiêu mở 40 đến 45 cửa hàng trang sức vàng cho năm 2021, tương đương 13% -15% tổng số 306 cửa hàng trang sức vàng đang hoạt động vào cuối tháng 3. Ngoài các cửa hàng trang sức vàng này, PNJ hiện đang có ba cửa hàng CAO Fine, 27 cửa hàng PNJ Silver và một cửa hàng Style by PNJ riêng lẻ.
Để đảm bảo lượng hàng trưng bày cho các cửa hàng mới trong năm nay cũng như trong tương lai, PNJ có kế hoạch nâng công suất của hai nhà máy hiện tại lên khoảng 4 triệu sản phẩm mỗi năm từ mức hiện tại là 3-3,5 sản phẩm mỗi năm.
Theo ban lãnh đạo, trong năm 2020, PNJ đã sản xuất 2,7 triệu sản phẩm và hiện đi đúng tiến độ để đạt 4 triệu sản phẩm trong vòng 3 năm tiếp theo. Cùng với mục tiêu gia tăng công suất thuần túy, PNJ sẽ nâng cấp các dây chuyền xi mạ (chủ yếu phục vụ cho việc gia công các sản phẩm bạc) và xây dựng dây chuyển sản xuất trang sức vàng Ý. Nguồn vốn cho đợt nâng công suất này sẽ đến từ đợt phát hành riêng lẻ lên tới 15 triệu cổ phiếu (chiếm 6,6% tổng số cổ phiếu đang lưu hành) đã được thông qua trong ĐHCĐ vừa qua. Bên cạnh đó, nguồn tiền từ đợt phát hành riêng lẻ dự kiến cũng sẽ tài trợ cho việc mở rộng hệ thống cửa hàng và chi tiêu cho CNTT (chuyển đổi số).
Tạ Thành