Tuy nhiên, theo KBSV, chi phí tài chính của PVD tăng mạnh (tăng 103%) do: Chi phí lãi vay tăng mạnh; Lỗ tỷ giá gấp 6 lần so với cùng kỳ. Những yếu tố này kết hợp đã khiến cho lợi nhuận của PVD tiếp tục ghi nhận kết quả âm quý thứ 3 liên tiếp, đạt giảm 52 tỷ đồng so với cùng kỳ đạt 56 tỷ đồng.
Trong báo cáo phân tích mới được cập nhật đối với CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD), Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đưa ra dự báo số giàn khoan trung bình của PVD trong năm 2022 và 2023 sẽ lần lượt đạt 5,93 giàn và 6,35 giàn nhờ vào các yếu tố tích cực từ ngành cũng như sự đóng góp từ giàn TAD sau 6 năm không có việc. Theo đó, hiệu suất sử dụng giàn tự nâng của PVD cũng sẽ cao hơn, đạt 95% trong năm 2023 so với 90% của năm 2022, theo dự phóng của KBSV.
KBSV kỳ vọng rằng, khu vực Đông Nam Á - thị trường chính của PVD hiện tại sẽ tiếp tục có sự hồi phục trong hoạt động E&P nhờ vào giá dầu ở mức thuận lợi và cao hơn nhiều so với mức giá hoà vốn tại các quốc gia. Dữ liệu từ IHS Markit cho thấy, giá thuê trung bình giàn tự nâng ở khu vực Đông Nam Á đang phục hồi mạnh mẽ lên mức trên 90.000 USD/ngày. KBSV dự báo giá thuê ngày giàn khoan tự nâng của PVD trong năm 2022 đạt trung bình 63.900 USD/ngày (tăng 13% so với năm ngoái) và năm 2023 đạt trung bình 75.300 USD/ngày (tăng 18% so với năm trước đó).
KBSV sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền của doanh nghiệp (FCFF) và P/B với tỷ lệ 50% cho mỗi phương pháp để đưa ra khuyến nghị mua cho PVD với mức giá mục tiêu là 19.800 đồng/cổ phiếu, tương đương với upside 44,5% so với giá đóng cửa 13.700 đồng/cổ phiếu ngày 14/11/2022.