PVS: Biên lợi nhuận gộp của mảng dịch vụ khoan cải thiện hỗ trợ lợi nhuận quý 4

Theo VCSC, Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) công bố kết quả kinh doanh quý 4/2022 tích cực với lợi nhuận sau thuế đạt 357 tỷ đồng (tăng 3 lần so với cùng kỳ năm trước).

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số cốt lõi đạt 357 tỷ đồng (tăng 50,2%), nhờ ghi nhận doanh thu từ các hợp đồng Cơ khí dầu khí (M&C) và biên lợi nhuận gộp cải thiện 8,3 điểm % đạt 3,0% so với 0,5% trong 9 tháng năm 2022. Ngoài ra, PVS đã hoàn nhập khoản dự phòng bảo hành trị giá 135 tỷ đồng.

Trong báo cáo phân tích mới được cập nhật đối với Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS), Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết, trong năm 2022, PVS ghi nhận doanh thu đạt 16,4 nghìn tỷ đồng (tăng 15,6% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số cốt lõi đạt 724 tỷ đồng (tăng trưởng 20,5%).

VCSC cho rằng, doanh thu công ty tăng là nhờ mức tăng trưởng mạnh của mảng M&C và mảng vận hành & bảo dưỡng (O&M), lần lượt đạt 21,5% và 42,3%. Tăng trưởng doanh thu mảng M&C đến từ các hợp đồng quốc tế, bao gồm dự án Gallaf – Giai đoạn 3 (Qatar) và Shwe (Myanmar).

Bên cạnh đó, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số cốt lõi năm 2022 tích cực là nhờ 1) lợi nhuận từ các công ty liên doanh kho nổi FPO/FPSO tăng 24,3% và 2) biên lợi nhuận gộp mảng M&C và O&M cải thiện.

Ngoài ra, lợi nhuận khả quan từ các công ty liên doanh FSO/FPSO trong năm 2022 là nhờ đóng góp từ FPSO Ruby II khi FPSO này được cho thuê với giá thuê ngày cao nhất (92.500 USD) trong cả năm 2022.

Doanh thu và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số cốt lõi năm 2022 lần lượt hoàn thành 112,2% và 126,3% dự báo cả năm và vượt kỳ vọng của VCSC. Do đó, VCSC nhận thấy khả năng điều chỉnh tăng đối với dự báo hiện tại của VCSC, dù cần thêm đánh giá chi tiết.