Theo quy hoạch, du lịch sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn, khâu đột phá thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế – xã hội của Quảng Bình. Ngành sẽ phát triển theo hướng khám phá thiên nhiên, hang động, văn hóa lịch sử, thể thao, biển, nghỉ dưỡng cao cấp.
Các khu du lịch trọng điểm gồm Phong Nha – Kẻ Bàng; thành phố Đồng Hới và biển phụ cận; trung tâm du lịch văn hóa, lịch sử, nghỉ dưỡng, trải nghiệm thiên nhiên phía Nam; khu vực phía Bắc và Vũng Chùa – Đảo Yến.
Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng của Quảng Bình – nơi hai lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới sẽ được đầu tư nguồn lực, cơ sở hạ tầng để trình Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là khu du lịch quốc gia và trình UNESCO công nhận thêm danh hiệu khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Phong Nha – Kẻ Bàng sẽ phát triển sản phẩm đặc thù là thám hiểm hang động, sinh thái bảo tồn thiên nhiên, cộng đồng, nghỉ dưỡng, văn hóa lịch sử, tìm hiểu đa dạng sinh học, khảo cổ; trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp Đông Nam Á.
Du lịch cao cấp gắn với nghỉ dưỡng biển, sân golf, vui chơi giải trí sẽ được phát triển ở thành phố Đồng Hới và các khu vực du lịch biển phụ cận.
Phía Nam Quảng Bình phát triển các trung tâm văn hóa, lịch sử, nghỉ dưỡng, trải nghiệm thiên nhiên. Phía Bắc tỉnh và Vùng Chùa – Đảo Yến sẽ đầu tư cho du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái, khám phá, công viên chủ đề mạo hiểm.
Quy hoạch cũng định hướng đưa kinh tế biển tỉnh Quảng Bình cơ bản đạt các tiêu chí về phát triển bền vững; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Mục tiêu đến năm 2030, Quảng Bình có kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững, trở thành tỉnh phát triển khá ở miền Trung. Tốc độ tăng GRDP bình quân 8,4-8,8% mỗi năm; GRDP bình quân đầu người đạt 145-150 triệu đồng. Ba trung tâm đô thị lớn của tỉnh sẽ hình thành là thành phố Đồng Hới, thị xã Ba Đồn, thị trấn Kiến Giang. Năm 2050, Quảng Bình có kinh tế phát triển năng động, là điểm kết nối quan trọng của ngã tư kinh tế Bắc – Nam, Đông – Tây.
Bùi Tuấn