Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh Quảng Ninh về tổ chức các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thủy sản của tỉnh đến cuối năm 2021, ngành Công Thương Quảng Ninh cùng các sở, ban, ngành đã phối hợp thực hiện nhiều biện pháp cụ thể. Qua 45 ngày triển khai (từ ngày 15/9-30/10/2021), tình hình tiêu thụ sản phẩm thủy sản nuôi trồng của các hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã có nhiều khởi sắc (kết quả, hỗ trợ tiêu thụ trên 15.483 tấn sản phẩm thủy sản các loại Quảng Ninh tại thị trường trong và ngoài nước).
Kể từ khi chương trình được phát động, công tác hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thủy sản đã được các sở, ngành, chính quyền địa phương, các đơn vị quan tâm phối hợp triển khai thực hiện. Qua công tác kết nối hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, đã giới thiệu quảng bá rộng rãi tới các thị trường trong và ngoài nước biết đến sản phẩm thủy sản của tỉnh Quảng Ninh để hỗ trợ tiêu thụ. Lượng thủy sản nuôi trồng được hỗ trợ tiêu thụ ngày càng gia tăng về sản lượng, tạo điều kiện cho người dân nuôi trồng tăng thu nhập, ổn định đời sống, yên tâm sản xuất, tạo hiệu ứng tích cực đến với người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh Quảng Ninh quan tâm đến việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thủy sản của tỉnh.
Riêng từ ngày 30/9 đến ngày 30/10/2021, toàn tỉnh đã hỗ trợ tiêu thụ 12.253 tấn sản phẩm thủy sản các loại tại thị trường trong và ngoài nước, cụ thể:
+ Cá Song: Tiêu thụ 236,5 tấn qua các kênh tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, trị giá 35,475 tỷ đồng. Trong đó: tiêu thụ tại tỉnh ngoài 165 tấn, tiêu thụ qua nhà hàng Hồng Hạnh 14,8 tấn; qua các cơ quan, đơn vị trong tỉnh 7,5 tấn (gồm: Công ty Nhiệt điện Mông Dương, Công ty cổ phần than Vàng Danh, Công ty than Khe Sim, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Công ty Giám định Vinacotrrol , Công ty cổ phần nhiệt điện Quảng Ninh...); 44 tấn qua kênh truyền thống (các chợ, các mối quen, nhà hàng, bếp ăn....); trên 5,2 tấn qua các gian hàng thủy sản tại các Tuần bán hàng, Phiên chợ tại các địa phương trong tỉnh.
+ Các loại cá khác tiêu thụ gần 134 tấn, trị giá khoảng 14,740 tỷ đồng, qua các gian hàng thủy sản tại các Tuần bán hàng, Phiên chợ tại các địa phương trong tỉnh, các kênh tiêu thụ truyền thống (các chợ, các mối tiêu thụ quen trong và ngoài tỉnh, nhà hàng, bếp ăn....).
+ Hàu (nguyên vỏ): Tiêu thụ gần 11.603 tấn qua các kênh tiêu thụ trong và ngoài nước, trị giá khoảng 69,618 tỷ đồng. Trong đó thị trường ngoài nước 8.383 tấn (tương đương 838,3 tấn ruột) tại Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Lào; tỉnh ngoài 1.523 tấn tại Tây Nam bộ, miền Trung, miền Bắc; trong tỉnh tại các kênh truyền thống: chợ, các mối quen và nhà hàng, bếp ăn...1.697 tấn.
+ Thủy sản khác (thưng, sần...). tiêu thụ 280 tấn, trị giá khoảng 12,6 đồng, trong đó thị trường Trung Quốc khoảng 204 tấn, trong nước qua các đơn vị doanh nghiệp, chợ, các mối quen trong, ngoài tỉnh và nhà hàng, bếp ăn...) 76 tấn.
Lũy kế từ 15/9 - 30/10/2021, toàn tỉnh đã hỗ trợ tiêu thụ trên 15.483 tấn sản phẩm thủy sản các loại Quảng Ninh tại thị trường trong và ngoài nước, cụ thể: (i) Cá Song: Tiêu thụ 285,7 tấn, trị giá trên 42,855 tỷ đồng; (ii) Các loại cá khác tiêu thụ 154 tấn, trị giá trên 16,94 tỷ đồng; (iii) Hàu (nguyên vỏ): Tiêu thụ gần 14.643 tấn, trị giá gần 87,858 tỷ đồng; (iv) Thủy sản khác( ngao thường, sần): Tiêu thụ gần 400 tấn, trị giá khoảng 18 tỷ đồng.
Do ảnh hưởng dịch Covid-19, người dân hạn chế ra ngoài và lựa chọn giải pháp mua hàng trực tuyến (qua website, facebook, điện thoại, zalo) đã phát huy hiệu quả. Từ ngày 30/9-30/10/2021 đạt 34.341 đơn hàng tương đương trên 25 tỷ đồng. Lũy kế từ ngày 01/01/2021 đến ngày 30/10/2021 đạt 294.367 đơn hàng tương đương trên 375 tỷ đồng (trong đó, một số đơn vị có lượng giao dịch online lớn như chuỗi cửa hàng Vinmart, Vinmart +, siêu thị Go!; siêu thị MM Mega Market; siêu thị TTP; siêu thị Lan Chi…).
Ngoài ra, Sở Công Thương phối hợp với một số sàn thương mại điện tử trong nước hỗ trợ mở gian hàng cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm OCOP, nông sản, thủy sản trong tỉnh trên các sàn TMĐT Sàn postmart.vn: 136 sản phẩm; Sàn voso: 121 sản phẩm; Sàn Sen do 116 sản phẩm, (bao gồm các sản phẩm OCOP như: Ba kích, Trà hoa vàng Ba Chẽ; Nước Mắm Sá Sùng; Ruốc hàu, tôm, cá; các sản phẩm thủy sản Cô Tô, Vân Đồn đã qua chế biến, ...).
Trên sàn giao dịch thương mại điện tử Quảng Ninh (http://thuonghieuquangninh.gov.vn/; http://teqni.gov.vn/), hiện có 330 sản phẩm của 102 DN/HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh được niêm yết và giao dịch trực tuyến. Trong đó, có các sản phẩm OCOP từ 3-5 sao và sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Hệ thống sàn thu hút bình quân trên 1.000 lượt truy cập mỗi ngày (trong đó 600 lượt truy cập vào teqni.gov.vn, trên 400 lượt truy cập vào thuonghieuquangninh.gov.vn). Trên 90% đơn hàng được chuyển trực tiếp cho doanh nghiệp thực hiện. Doanh thu ước đạt 1,8 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020.
Để đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm OCOP Quảng Ninh tiêu thụ sản phẩm, Sở Công Thương đã tích cực triển khai kết nối sản phẩm OCOP vào hệ thống phân phối hiện đại trên địa bàn tỉnh. Đến nay, đã kết nối trên 50 sản phẩm vào chuỗi hệ thống siêu thị (Go!, MM Mega Market, Aloha, Vinmart).
Công tác xúc tiến thương mại, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm sản phẩm nông thủy sản tỉnh Quảng Ninh cũng được triển khai tích cực; Sở Công Thương chủ trì phối hợp với Ban Xây dựng Nông thôn mới và các đơn vị có liên quan tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch tổ chức Hội chợ OCOP Quảng Ninh, dự kiến tổ chức trong tháng 11/2021 với sự tham gia của các doanh nghiệp, Hợp tác xã, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, các đơn vị sản xuất kinh doanh sản phẩm thủy sản tỉnh Quảng Ninh; Có văn bản đề nghị UBND thành phố Cẩm Phả phối hợp tổ chức Tuần bán hàng trực tuyến sản phẩm OCOP và sản phẩm thủy sản tỉnh Quảng Ninh năm 2021, dự kiến từ ngày 04/11-07/11/2021, với quy mô 30 gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm thủy sản tỉnh Quảng Ninh và khu bán hàng trực tuyến qua TMĐT; Đề nghị UBND các địa phương trong tỉnh đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại trên địa bàn năm 2022 gửi về Sở Công Thương để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt Danh mục địa điểm tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2022.
Thông qua các hoạt động hỗ trợ kết nối tiêu thụ trên đã góp phần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm nông thủy sản tỉnh Quảng Ninh tới rộng rãi các thị trương tiêu thụ trong và ngoài nước, đồng thời tạo hiệu ứng tích cực đến người dân và du khách đến tham quan, mua sắm đối với những sản phẩm sản xuất trong tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn vướng mắc sau:
- Sản phẩm thủy sản cần hỗ trợ tiêu thụ, do chủng loại sản phẩm và đơn giá sản phẩm (đặc biệt là cá song) chưa phù hợp trong bữa ăn hàng ngày của người lao động, bữa ăn bán trú của trẻ em, học sinh tại các trường học, do đó việc tiêu thụ số lượng lớn gặp khó khăn.
- Hồ sơ pháp lý của các cơ sở sản xuất/hộ nuôi trồng thuỷ sản không đảm bảo, khó khăn trong việc kết nối tiêu thụ đi các tỉnh, vào các hệ thống phân phối hiện đại.
- Do diễn biến của dịch bệnh Covid-19 tại một số tỉnh có thị trường tiêu thụ lớn đang diễn biến còn phức tạp, các đầu mối tiêu thụ và đơn vị phân phối tại các tỉnh còn e ngại về vấn đề vận chuyển sản phẩm nhất là thủy sản tươi sống dẫn đến sản lượng tiêu thụ còn hạn chế.
- Công tác thực hiện chế độ báo cáo kết quả triển khai hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thủy sản của tỉnh chưa được một số sở, ban, ngành và địa phương, đơn vị liên quan quan tâm, có trao đổi thông tin triển khai, dẫn đến khó khăn cho công tác tổng hợp báo cáo.
Do đó, Sở Công Thương Quảng Ninh đã đề nghị các sở ban, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm phối hợp chặt chẽ triển khai các hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm thủy sản của tỉnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các địa phương thường xuyên rà soát thông tin sản lượng thủy sản cần hỗ trợ, hướng dẫn và hỗ trợ các cơ sở/hộ nuôi thủy sản về hồ sơ pháp lý, điều kiện chế biến, kinh doanh. Đồng thời, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh tích cực hưởng ứng, tham gia hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thủy sản của tỉnh, góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người nông dân trong thời điểm khó khăn do dịch bệnh Covid-19, đồng thời góp phần đảm bảo mục tiêu tăng trưởng chung của tỉnh trong năm 2021.
Đối với hệ thống các siêu thị bán lẻ trên địa bàn tỉnh thúc đẩy, duy trì thường xuyên các chương trình khuyến mại đối với sản phẩm thủy sản trong tỉnh nhằm thu hút người tiêu dùng, tăng cường sức mua, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thủy sản nội địa; tích cực hỗ trợ, hướng dẫn các hộ kinh doanh, sản xuất sản phẩm thủy sản của tỉnh hoàn thiện thủ tục hồ sơ pháp lý để đưa sản phẩm vào tiêu thụ tại điểm kinh doanh của đơn vị.
Ngoài ra, các đơn vị nuôi trồng thủy sản cần cân nhắc, khảo sát giá thị trường đối với sản phẩm cùng loại để điều chỉnh mức giá bán phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng.
Ngô Quảng