Trong một diễn đàn liên quan đến ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường từng nhận định: Các tiến bộ KHKT của cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mở ra triển vọng phát triển kinh tế cho Việt Nam, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Đây là cơ hội rất tốt để nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam vươn lên trong quá trình công nghiệp hóa. Song hành với các cơ hội là đầy rẫy những thách thức. Nếu không cố gắng, chúng ta sẽ bị thua trên sân nhà, mất thị trường 100 triệu dân ngay trên sân nhà…
Tại tỉnh Quảng Ninh, thách thức lớn nhất của nền nông nghiệp Quảng Ninh đó là thay đổi để phát triển. Mạnh dạn rũ bỏ tấm áo cũ, với sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong đầu tư phát triển của từng hộ nông dân.
Trên diện tích 3.600m2 với hàng trăm gốc bưởi, việc tưới tiêu cho khu vườn này hơn 6 năm nay vẫn do ông Nguyễn Văn Hùng (thôn Khe Hạ, xã Việt Dân, TX Đông Triều, Quảng Ninh) đảm nhận. Công việc này vốn rất mất thời gian và sức lực, nhất là trong những ngày hè nắng nóng, khô hạn, trong khi đó yêu cầu về chăm sóc cũng nhiều công phu. Nhưng khoảng 2 năm nay, mỗi ngày ông Hùng chỉ cần bỏ ra khoảng 5-10 phút để hoàn tất các thao tác tưới cây, công đoạn còn lại, ông “bàn giao” cho máy móc, công nghệ xử lý thông qua chiếc điện thoại thông minh.
Ông Hùng cho biết, trước đây, việc tưới cây rất mất thời gian, thường chiếm khoảng 4-5 giờ đồng hồ, lại khá vất vả do phải di chuyển vòi bơm hoặc gánh nước tới từng khu vực. Chưa kể khi cây trưởng thành, cao tầm 3-4m thì việc tưới vòi theo phương pháp truyền thống cũng không thể vươn đến ngọn để có thể xịt rửa sương muối gây hại cho cây trồng. Năm 2019, qua tư vấn, tìm hiểu, ông đã đầu tư hệ thống tưới văng điều khiển bằng điện thoại thông minh cho vườn cây của gia đình.
“Đơn giản lắm, chỉ cần 1 chiếc điện thoại có kết nối mạng 3G, vài thao tác là có thể vận hành được hệ thống tưới tự động, ngay cả khi mình không có mặt tại vườn. Vừa hiệu quả, lại tiết kiệm thời gian, công sức. Thời gian dư giả, mình làm việc khác, chơi với con cháu, hoặc là tìm hiểu xem có những công nghệ mới nào có thể áp dụng được vào mô hình của mình… Lão nông như tôi còn có thể vận dụng được công nghệ để gia tăng sản xuất thì các bạn trẻ còn tiến bộ hơn nhiều, không thể để mình lỗi thời được!” - Ông Hùng chia sẻ.
Mạnh dạn triển khai những mô hình mới, áp dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trên thế giới để tạo ra những sản phẩm có giá trị cũng là hướng đi mới của nhiều nông dân trong thời kỳ cách mạng công nghiệp. Anh Nguyễn Văn Thêm (thôn Chân Đèo, xã Thống Nhất, TP. Hạ Long) là một trong những nông dân như thế.
Nhận thấy tiềm năng từ cây măng tây đối với thị trường trong nước, anh Thêm bắt đầu tìm hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc thông qua các diễn đàn trên mạng. Đồng thời, chủ động đăng ký tham gia vào các hội thảo, hội nghị tập huấn phổ biến kiến thức liên quan đến mô hình này. Năm 2017, anh bắt tay vào triển khai thực hiện với quy mô ban đầu khoảng 3.000m2 theo quy trình chăm sóc từ các chuyên gia Mỹ, ưu tiên hạt giống chất lượng và sử dụng công nghệ vi sinh. Anh cũng đầu tư hệ thống tưới tiêu tự động, máy làm cỏ, bón phân để nâng cao năng suất lao động, tiết giảm nhân lực.
Đặc biệt, việc kết nối, chia sẻ, học tập kinh nghiệm thông qua các nhóm, hội trồng măng tây được anh Thêm tận dụng triệt để, nhằm áp dụng vào mô hình của gia đình. Đến nay, anh Thêm đã mở rộng quy mô mô hình lên 15.000m2, mỗi năm cho thu nhập gần 1 tỷ đồng. Hiện anh Thêm đang hoàn tất các thủ tục để thành lập HTX, đăng ký tham gia chương trình OCOP và tiếp tục cải tiến quy trình chăm sóc, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP.
Anh Thêm chia sẻ: Mình có tiềm năng về nông nghiệp, lại có sức trẻ thì phải tích cực tìm hiểu, khai thác các công cụ, tiến bộ của KHKT để làm giàu. Có như vậy mới có thể theo kịp được tốc độ phát triển của thế giới. Mình là nông dân của thời đại 4.0 mà…
Nông dân thông minh sẽ xây dựng được một nền nông nghiệp thông minh. Bên cạnh sự tham gia từ phía các doanh nghiệp lớn để hình thành các vùng sản xuất tập trung, khu nông nghiệp công nghệ cao, những người nông dân cũng đang dần thay đổi cách thức, tư duy sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ để hướng đến mục tiêu sản xuất bền vững hơn. Sự bùng nổ về công nghệ cũng tạo môi trường thuận lợi cho nông dân khi các đầu ra sản phẩm được mở rộng hơn thông qua các kênh mua bán trực tuyến…
“Vườn rau không đất”, “trang trại tự động”, “hoa công nghệ cao”, “tôm công nghệ”, “thương mại điện tử”, “VietGAP”, “tem truy xuất hàng hóa”… là những thành công bước đầu của nông dân thời kỳ 4.0 khi đưa công nghệ vào quy trình sản xuất hàng hóa. Đây cũng là tiền đề căn bản để ngành nông nghiệp của tỉnh được chuyên nghiệp, hiện đại hơn trong tương lai.
Mùa na năm 2019, những quả na dai của hàng trăm hộ dân xã An Sinh, TX Đông Triều lần đầu tiên được dán mã QR, bọc xốp rồi xếp vào thùng carton theo đúng quy cách trước khi đưa ra thị trường. Ông Nguyễn Minh Sơn (xã An Sinh, TX Đông Triều) phấn khởi: Đây là những quả na 4.0!
Năm 2017, được sự khuyến khích, hướng dẫn, hỗ trợ từ TX Đông Triều, ông Sơn đã đầu tư gần 80 triệu đồng vào hệ thống tưới tiêu cho 1,2ha na của gia đình để chuyển dịch sang quy trình trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Qua hơn 3 năm thực hiện, cây na phát triển rất tốt, chất lượng quả ngon, sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, năng suất và giá trị cao hơn hẳn. Na thu hoạch được dán mã QR và đóng gói theo quy cách, do đó, người tiêu dùng có thể dễ dàng truy xuất được nguồn gốc của sản phẩm khi sử dụng phần mềm quét mã QR. Ông Sơn và các nông dân trồng na cũng không phải mang hàng hóa đi bán như trước, mà có thương lái thu mua tận vườn.
Theo thống kê của xã An Sinh, trung bình 1ha trồng na áp dụng quy trình VietGAP hiện cho sản lượng hơn 10 tấn quả/năm, doanh thu trên 300 triệu đồng, tăng hơn 2 tấn (gần 70 triệu đồng) so với trồng na theo phương thức truyền thống. Hiện cây na đang được TX Đông Triều xác định là cây trồng chủ lực để nâng cao thu nhập cho người dân. Do vậy, chính quyền địa phương đã tập trung vận động, hướng dẫn bà con sản xuất na theo quy trình VietGAP, nâng cao chất lượng, mẫu mã, để gia tăng giá trị sản phẩm, xây dựng thương hiệu Na dai Đông Triều.
Cũng như Đông Triều, các vùng trồng trọt, chăn nuôi theo quy trình VietGAP đang được nhiều địa phương trong tỉnh chú trọng, coi đây là hướng đi đúng đắn để phát triển nông sản có thế mạnh, từng bước hình thành nên những khu vực sản xuất chuyên sâu. Tiêu biểu có thể kể đến như vải chín sớm Phương Nam (Uông Bí), chè ở Hải Hà, rau sạch Quảng Yên, tôm thẻ chân trắng Móng Cái, Tiên Yên…
Thông qua chương trình OCOP với những cơ chế hỗ trợ về xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm và quy trình giám sát, phân loại, nâng hạng sản phẩm theo từng năm, tỉnh cũng hướng người dân bắt nhịp với cách thức làm nông nghiệp mới. Đó là chú trọng đến chất lượng, quy trình công nghệ, giá trị thương hiệu… Đặc biệt, các sản phẩm OCOP của tỉnh cũng được giới thiệu rộng rãi trên Sàn giao dịch thương mại điện tử Quảng Ninh. Qua đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh giới thiệu mặt hàng của mình đến nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Duy Cảnh