Theo đó, Bain Capital nâng mức đầu tư lên 250 triệu USD thay vì 200 triệu USD như đã công bố vào tháng 10 năm 2023.
Các điều khoản giao dịch vẫn giữ nguyên như thỏa thuận ban đầu giữa hai bên. Số tiền thu được từ giao dịch vốn cổ phần này sẽ được Masan dùng để cải thiện các chỉ số tài chính và giảm đòn bẩy cho bảng cân đối kế toán.
Việc tăng quy mô đầu tư của Bain Capital trong bối cảnh hiện nay là sự tin tưởng mạnh mẽ cho chiến lược dài hạn và triển vọng của Masan. Điều này thể hiện rõ qua kết quả hoạt động kinh doanh vững chắc trong quý 3 của Masan.
Cụ thể, mảng kinh doanh tiêu dùng bán lẻ của Masan ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng lần lượt ở mức 45,5% trong 9 tháng đầu năm và 47,3% trong quý 3 so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, dòng tiền tự do sự cải thiện liên tục, với dòng tiền quý 3 đạt 2.202 tỉ đồng, tăng đáng kể so với mức 125 tỉ đồng trong quý trước nhờ vào việc quản lý vốn lưu động hiệu quả.
Giao dịch này là khoản đầu tư vốn cổ phần dưới hình thức cổ phần ưu đãi cổ tức có thể chuyển đổi được phát hành với giá 85.000 đồng/cổ phần và có thể chuyển đổi thành cổ phần phổ thông với tỷ lệ 1:1. Mức cổ tức cố định của mỗi CDPS là 0% trong vòng 5 năm đầu tiên kể từ ngày phát hành. Kể từ sau năm thứ 6 trở đi, mức cổ tức cố định của mỗi CDPS lên đến 10%/năm. Ủy quyền cho Hội đồng Quản trị quyết định tỷ lệ chia cổ tức cố định cụ thể và thời điểm thanh toán. Ngoài cổ tức cố định, mỗi cổ phần sẽ được nhận cổ tức với mức bằng với cổ tức chia cho mỗi cổ phần phổ thông (nếu có). Vào năm thứ 10 kể từ ngày phát hành, các cổ phần đang lưu hành sẽ bắt buộc chuyển đổi thành cổ phần phổ thông của Masan Group.
Ngoài ra, đây là giao dịch vốn đầu tư cổ phần, không có cơ cấu phòng vệ giá hoặc vay cổ phiếu MSN dẫn đến việc bán cổ phiếu MSN ra thị trường vào ngày phát hành. Cấu trúc của khoản đầu tư được thiết kế nhằm đảm bảo các lợi ích của cổ đông hiện hữu của MSN. Bain Capital hoàn toàn phù hợp và có chung tầm nhìn với cổ đông hiện tại của MSN.
Jefferies Singapore Limited và UBS AG Singapore Branch đóng vai trò cố vấn tài chính cho Masan Group. Giao dịch phụ thuộc vào sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền và quyết định phê duyệt nội bộ.
Như vậy, trong vòng 2 tháng kể từ giao dịch đầu tiên, Bain Capital đã rót tổng cộng 250 triệu USD vào Masan. Theo đó, Masan kỳ vọng giao dịch sẽ hoàn tất trong vài tháng tới và sẽ tiếp tục tìm kiếm các giải pháp vốn cổ phần chiến lược khác, trong đó bao gồm giảm bớt tỷ trọng trong các mảng kinh doanh không cốt lõi, để gia tăng thanh khoản và đạt được tỷ lệ nợ ròng trên EBITDA dưới 3,5x một cách ổn định.
Được biết, Masan hiện là tập đoàn sở hữu nhiều thương hiệu lớn trong lĩnh vực bán lẻ và hàng tiêu dùng nhanh, vốn rất quen thuộc với người tiêu dùng như: siêu thị Winmart, Omachi, Kokomi, CHIN-SU, Nam Ngư, Tam Thái Tử, Vĩnh Hảo, Heo Cao Bồi, Xúc xích Ponnie, nước tăng lực Wake-up, Compact, Vinacafe Biên Hòa, Quang Hanh...
Quỹ đầu tư Bain Capital được thành lập năm 1984 tại Mỹ, hiện quỹ đầu tư Bain Capital đã thực hiện hơn 1.100 khoản đầu tư mang lại lợi nhuận cao ở các lĩnh vực đầu tư cốt lõi là Tiêu dùng, Công nghiệp, Chăm sóc sức khỏe, Công nghệ, Dịch vụ Tài chính và Kinh doanh. Đơn cử, trong lĩnh vực tiêu dùng - bán lẻ, danh mục đầu tư của Bain có các chuỗi bán lẻ và F&B nổi tiếng như Burger King, Burlington, Dunkin Brands, Samsonite… Có thể thấy, đây là quỹ đầu tư ngoại giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực tiêu dùng. Bain Capital có tổng giá trị tài sản quản lý xấp xỉ 180 tỉ USD.
Tiến Hoàng