Theo đó, nguồn vốn huy động theo kế hoạch sẽ đạt 636.600 tỷ đồng, cao hơn 10% so với thời điểm cuối năm ngoái, trong khi tổng dư nợ tín dụng dự kiến tăng 11% lên 535.800 tỷ đồng. HĐQT sẽ điều chỉnh lại các mục tiêu tăng trưởng huy động và cho vay phù hợp với hạn mức tăng trưởng tín dụng phân bổ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Sacombank cũng đặt mục tiêu tổng tài sản đến cuối năm tăng 10%, đạt mức 724.100 tỷ đồng.
Theo tờ trình về phương án phân phối lợi nhuận năm tài chính 2023, lợi nhuận sau thuế hợp nhất sau khi trích lập các quỹ còn hơn 5.700 tỷ đồng. Lợi nhuận hợp nhất giữ lại các năm trước là gần 12.700 tỷ đồng. Như vậy, lũy kế lợi nhuận hợp nhất chưa phân phối của Sacombank lên tới gần 18.400 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2023, quy mô tổng tài sản đạt hơn 674.000 tỷ đồng, tăng 13,9% so với đầu năm. Tổng huy động đạt hơn 578.000 tỷ đồng, tăng 11,3%; trong đó chú trọng tăng tiền gửi CASA 8,8%. Năm qua nhà băng liên tục kéo khung lãi suất huy động giảm khoảng 4% so với đầu năm, mặt bằng lãi suất huy động hiện nay cao nhất xấp xỉ quanh mức 5%. Tỷ lệ CAR hợp nhất 9,11%, tỷ lệ LDR đạt 82,77%, tỷ lệ NIM 3,9%. Các chỉ số ROA, ROE lần lượt đạt 1,22% và 18,30%, tương ứng tăng 0,31 và 4,47%.
Về phân phối lợi nhuận năm tài chính 2024, ngân hàng đưa ra kế hoạch trích quỹ khen thưởng và phúc lợi đều ở mức 7% lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và quỹ dự phòng tài chính.
Kế hoạch phân phối lợi nhuận năm nay tiếp tục không đề cập đến việc chia cổ tức. Lần chia cổ tức gần nhất của Sacombank là năm 2015, với tỷ lệ 20% bằng cổ phiếu.
Trong kế hoạch kinh doanh năm nay, HĐQT Sacombank cho biết dù còn nhiều thách thức mới từ ẩn số vĩ mô, nhưng ngân hàng tự tin xử lý dứt điểm các vấn đề còn tồn đọng nhằm hoàn tất tái cơ cấu trước thời hạn.
Tiến Hoàng