Hoạt động mua bán qua sàn giao dịch hàng hóa ngày càng phát triển
Tại Việt Nam, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) được Bộ Công Thương thành lập năm 2010. Trong những năm gần đây, hoạt động giao dịch thông qua MXV đã có nhiều biến chuyển tích cực.
Tính đến hết tháng 8/2023, MXV đã có 45 mặt hàng thuộc 4 nhóm hàng hóa (nông sản, năng lượng, kim loại, nguyên liệu công nghiệp) được giao dịch và kết nối 8 Sở Giao dịch hàng hóa lớn trên thế giới. Giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên đạt 4.000 tỷ đồng, phiên cao điểm đạt 9.500 tỷ đồng. Theo các chuyên gia, sàn giao dịch hàng hóa là một kênh thương mại hiện đại, có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế thị trường, thị trường tài chính và thị trường nông sản. Song, những kết quả trên đây còn khá khiêm tốn so với tiềm năng của Việt Nam.
Sàn giao dịch hàng hóa mang lại nhiều lợi thế cho doanh nghiệp
Giao dịch qua các sàn giao dịch hàng hóa luôn sôi động và tăng trưởng cao, có giai đoạn vượt qua thị trường chứng khoán. Hiện nay, giao dịch hàng hóa chiếm gần 30% tổng khối lượng giao dịch phái sinh trên thế giới. Qua đó, cho thấy sàn giao dịch hàng hóa có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế thị trường, thị trường tài chính và thị trường nông sản.
Việc tham gia sàn giao dịch hàng hóa sẽ giúp tạo giá cả cạnh tranh công bằng cho nông sản Việt Nam, thu hẹp khoảng cách giữa sản xuất và thị trường; hạn chế tình trạng được mùa mất giá. Bên cạnh đó, còn chống hiện tượng ép giá của thương lái, giúp nông dân tiếp cận trực tiếp với thị trường, kết nối với thị trường nông sản thế giới.
Nhìn chung, giao dịch hàng hóa qua sàn mang lại nhiều lợi ích cho các bên tham gia, bao gồm:
- Giúp người nông dân, nhà sản xuất, nhà xuất khẩu phòng ngừa rủi ro biến động giá cả.
- Tạo cơ hội tiếp cận trực tiếp với thị trường, kết nối với thị trường thế giới.
- Tăng cường minh bạch, cạnh tranh công bằng trên thị trường.
Các chuyên gia khuyến nghị cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao dịch hàng hóa qua sàn. Đồng thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức về giao dịch hàng hóa qua sàn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Tiềm năng phát triển
Theo thống kê, giá trị giao dịch hàng hóa qua sàn chiếm 24% tổng khối lượng giao dịch của các sản phẩm trên thế giới, riêng khu vực châu Á chiếm 56%. Chỉ số tại một số sàn giao dịch hàng hóa nổi tiếng đã trở thành kim chỉ nam cho thị trường thế giới.
Việt Nam là một nước nông nghiệp với nhiều loại nông sản có thế mạnh xuất khẩu. Việc phát triển giao dịch hàng hóa qua sàn sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu, tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế. Đây cũng là giải pháp quan trọng để giải quyết tình trạng “được mùa mất giá” của ngành nông nghiệp Việt Nam đã tồn tại bấy lâu nay. Hơn nữa, đây là cũng hình thức rất phù hợp với xu hướng mở rộng giao thương quốc tế, giao dịch điện tử của Đảng và Nhà nước.
Có thể thấy, sàn giao dịch hàng hóa là một kênh thương mại phổ biến trên thế giới và đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Việc tham gia sàn giao dịch hàng hóa mang lại nhiều lợi thế cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nông nghiệp, giúp họ nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm thiểu rủi ro và gia tăng lợi nhuận.
Bảo Anh