Sản xuất an toàn, định hướng phát triển chè bền vững sau đại dịch

Theo Thứ trưởng Bộ NN và PTNT - Lê Quốc Doanh, sau đại dịch Covid-19, ngành chè cần phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ, bền vững, đa dạng, trên cơ sở nhu cầu của thị trường gắn với vệ sinh an toàn thực phẩm, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu khoa học công nghệ, đẩy mạnh thâm canh và sử dụng hợp lý tài nguyên đất đai, nguồn nước, lao động để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. 

Bên cạnh đó, phát triển sản xuất chè phải gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến chè, hình thành các liên kết sản xuất theo chuỗi các vùng sản xuất chè hàng hóa tập trung quy mô lớn, phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, trên cơ sở huy động được mọi nguồn lực, phát huy lợi thế của từng vùng, nâng cao khả năng cạnh tranh, mang lại giá trị gia tăng và nâng cao thu nhập cho người sản xuất và doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ NN và PTNT - Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.

Thực tế hiện nay, người tiêu dùng ngày càng khắt khe trong lựa chọn sản phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Do đó, nhiều cơ sở sản xuất, hợp tác xã chè trên địa bàn các tỉnh đã chuyển hướng sản xuất sản phẩm chè theo hướng an toàn hữu cơ. Đây là một trong những giải pháp nhằm bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng, góp phần quan trọng nâng cao thu nhập và hướng tới một nền nông nghiệp xanh, phát triển bền vững.

Theo thống kê của Hiệp hội chè Việt Nam, tính đến năm 2020, nước ta có 34 tỉnh, thành phố trồng chè với tổng diện tích 123 nghìn ha, năng suất bình quân đạt gần 95 tạ/ha, sản lượng đạt 1,02 triệu tấn chè búp tươi. Việt Nam hiện đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu chè, đứng thứ 7 về sản xuất chè toàn cầu. Sản phẩm chè của Việt Nam hiện đã được xuất sang 74 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tại Việt Nam, cây chè đã trở thành cây công nghiệp phát triển ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động.
Tại Việt Nam, cây chè đã trở thành cây công nghiệp phát triển ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động.

Cây chè được phát triển chủ yếu ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc với khoảng 70% diện tích trồng chè cả nước; kế đến là vùng Tây Nguyên với khoảng 19%; vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung có diện tích chè chiếm 7,0% và khu vực đồng bằng Bắc bộ 4,0%. Một số địa phương có diện tích chè lớn, như: Thái Nguyên (22,3 nghìn ha), Hà Giang (21,5 nghìn ha), Phú Thọ (16,1 nghìn ha), Lâm Đồng (10,8 nghìn ha)…

Hiện nay, Việt Nam có trên 170 giống chè các loại đảm bảo chất lượng và cho năng suất cao, với các hương vị đặc biệt được thế giới ưa chuộng, như: Chè shan, PH1, LDP1, LDP2, PT14… và các giống chè nhập nội như PT95, Kim Tuyên, Bát Tiên, Tứ Quý Xuân... Trong đó, chè shan là giống chè quý, được phát triển lâu đời tại một số địa phương khu vực phía Bắc như: Hà Giang, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên… Với khoảng trên 24% tổng diện tích trồng chè cả nước. Chè shan bao gồm các giống: Chè shan công nghiệp, shan vùng cao và shan đầu dòng. Hiện những rừng chè shan cổ thụ với nhiều cây hàng trăm năm tuổi của Việt Nam đang cho sản phẩm có nhiều đặc tính quý và là nguyên liệu không thể thiếu để sản xuất chè sạch, chè đặc sản, cũng như các sản phẩm chè chế biến có giá trị gia tăng cao.

Theo đánh giá của Hiệp hội chè Việt Nam, những năm gần đây, năng suất và sản lượng chè của Việt Nam liên tục tăng nhờ sự chuyển biến tích cực về giống, kỹ thuật canh tác và tổ chức sản xuất. Bên cạnh đó, nhiều cơ chế, chính sách đã được các cấp từ Trung ương đến địa phương ban hành nhằm phát triển sản xuất và tiêu thụ chè. Đặc biệt đã có nhiều giải pháp đồng bộ được áp dụng trong vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm trên sản phẩm chè đã cho những kết quả khả quan.

Theo đó, một trong những giải pháp nhằm bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng, góp phần quan trọng nâng cao thu nhập và hướng tới một nền nông nghiệp xanh, phát triển bền vững là chuyển hướng sản xuất sản phẩm chè theo hướng an toàn hữu cơ.

Bước sang nửa đầu năm 2021, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trị giá kim ngạch xuất khẩu chè tăng một phần do giá chè tăng cao theo giá thị trường thế giới. Giá chè xuất khẩu bình quân ước đạt 1.643,6 USD/tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Còn theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nhu cầu dùng chè gần đây đã tăng lên rõ rệt do người tiêu dùng nhiều nơi tin tưởng chè có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch, góp phần đề kháng với dịch bệnh Covid-19. Do đó, thương nhân ở nhiều quốc gia tăng cường mua chè tích trữ để phục vụ nhu cầu nội địa, tránh bị ảnh hưởng bởi sự đứt gãy logistics có thể diễn ra do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Trong nửa đầu năm 2021, Pakistan vẫn là thị trường xuất khẩu chè lớn nhất của Việt Nam, với khối lượng xuất khẩu tăng khoảng 12,5%, kim ngạch tăng 16% so với cùng kỳ năm 2020.

Điều đáng nói là xuất khẩu chè của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ tăng 560,5% về lượng và tăng 457,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020 (đạt 1,4 nghìn tấn, trị giá 1,74 triệu USD).

Trong nửa đầu năm 2021, xuất khẩu chè sang Trung Quốc cũng tăng mạnh. Chỉ tính số liệu riêng của 5 tháng, xuất khẩu sang quốc gia này đạt 4,55 nghìn tấn với 6,76 triệu USD, tăng 104% về khối lượng và tăng 87,7% về giá trị kim ngạch.

Bên cạnh đó, các thị trường Iraq, Malaysia, Đài Loan... cũng gia tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu mặt hàng chè.

Dự báo, xuất khẩu chè của Việt Nam sẽ tăng trưởng khả quan vào những tháng cuối năm 2021 nhờ những tín hiệu tích cực từ thị trường nhập khẩu. Cụ thể, xu hướng tiêu thụ chè tăng do người tiêu dùng phải ở nhà nhiều hơn (thực hiện dãn cách phòng chống dịch covid-19). Những ưu đãi thuế quan từ các Hiệp định Thương mại tự do như EVFTA, CPTPP… cũng mang lại thuận lợi cho ngành chè trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện tại. Nhiều quốc gia sản xuất chè bị gián đoạn sản xuất do dịch Covid -19 và thời tiết khô hạn, làm chuỗi cung ứng chè trên thị trường toàn cầu gián đoạn, trong đó đáng chú ý là thị trường Ấn Độ, thị trường sản xuất chè và tiêu thụ chè lớn trên thế giới, đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19 và hạn hán tại các khu vực trồng chè chính.

* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Di Linh