Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 158 vùng sản xuất chè chất lượng cao với diện tích 5,1 nghìn ha (quy mô liền đồi tối thiểu 5ha/1 vùng), chủ yếu tại các huyện Đoan Hùng, Hạ Hòa, Thanh Ba, Phù Ninh, Yên Lập, Thanh Sơn, Tân Sơn; trong đó có một số vùng đã gắn với xây dựng thương hiệu (Võ Miếu - Thanh Sơn, Yên Kỳ - Hạ Hòa, Chùa Tà - Phù Ninh…). Tổng sản lượng chè chất lượng cao của tỉnh hiện nay khoảng 76,5 nghìn tấn và cho hiệu quả kinh tế trung bình đạt trên 50 triệu đồng/ha.
Hiện trạng sản xuất chè trên địa bàn tỉnh Phú Thọ về diện tích năm 2019 đạt 16.074ha; diện tích trồng mới, trồng lại năm 2019 là 70ha; diện tích cho thu hoạch năm 2019 đạt 15.684ha; năng suất năm 2019 đạt 116,3 tạ/ha…Tình hình chuyển đổi giống chè mới vào năm 2019 diện tích giống cũ đạt 4.320,9ha; diện tích mới đạt 11.753,1ha; tỷ lệ đạt 73,1%; giống chè mới gồm LDP1, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, Bát Tiên…
Ngoài ra, tỉnh cũng thường xuyên chỉ đạo tăng cường liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp với người trồng chè. Ngoài các doanh nghiệp, đơn vị có diện tích đất sản xuất chè (Công ty chè Phú Đa, Công ty chè Phú Bền, Viện Khoa học kỹ thuật nông, lâm nghiệp miền núi phía Bắc…), đã có một số doanh nghiệp ký kết hợp đồng liên kết thu mua chè búp tươi với người dân như Công ty TNHH MTV Chè Á Châu; Công ty TNHH MTV chè Hoàng Trung; Công ty TNHH Hợp Tín; Công ty TNHH MTV Hương Giang Phú Thọ…
Thời gian tới, tỉnh Phú Thọ tiếp tục duy trì diện tích 16,0 nghìn ha chè; mở rộng diện tích sản xuất chè an toàn phấn đấu đạt trên 6,5 nghìn ha; trồng thay thế 850 ha bằng các giống chè mới, nâng tỷ lệ chè giống mới đạt trên 80%; tăng cơ cấu chè xanh đạt trên 40%, chè đen khoảng 60%. Tập trung đưa các giống mới năng suất, chất lượng cao, đẩy mạnh đầu tư thâm canh, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn (GAP) để xây dựng vùng nguyên liệu chuyên canh phục vụ chế biến.
Về tổ chức sản xuất đổi mới hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả, liên kết trong sản xuất. Chỉ đạo, phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác, làng nghề… sản xuất chè xanh; xây dựng mô hình Tổ dịch vụ về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho vùng sản xuất chè tập trung. Xây dựng các điểm thu gom, xử lý toàn bộ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sử dụng cho chè, đảm bảo môi trường sinh thái vùng chè.
Trong đó, về liên kết sản xuất, sắp xếp vùng nguyên liệu tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nhân rộng mô hình chuỗi sản xuất, tiêu thụ chè gắn với xây dựng thương hiệu; đẩy mạnh đầu tư thâm canh, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, sản xuất chè an toàn (VietGAP, RA, UTZ…) để nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm; tăng cường chỉ đạo thực hiện trồng lại, trồng thay thế chè giống cũ bằng các giống mới có năng suất, chất lượng cao phục vụ chế biến chè xanh; nhân rộng các hợp tác xã, làng nghề sản xuất, chế biến chè xanh.
Cùng với đó, về chế biến tăng cường kiểm tra việc áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng cơ sở chế biến đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu, chế biến chè thành phẩm. Song song với phát triển chè đen, chú trọng đẩy mạnh chế biến chè xanh chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu chè Phú Thọ.
Về phát triển thị trường đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường hệ thống thông tin về thị trường, khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới cho người trồng chè và các doanh nghiệp thông qua hoạt động các Hội, câu lạc bộ, phương tiện thông tin đại chúng… Hỗ trợ doanh nghiệp, các hợp tác xã, làng nghề... tham gia các Hội chợ triển lãm trong và ngoài nước để mở rộng tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; trao đổi, học tập, tiếp thu công nghệ, phương pháp làm để áp dụng tại địa phương.
Sơn Thủy - Nguyễn Hà