Theo ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia: Trước nhu cầu khắt khe của thị trường và người tiêu dùng trong lựa chọn sản phẩm an toàn như hiện nay, việc chuyển hướng sang nền nông nghiệp hữu cơ, trong đó có chè, là xu thế tất yếu. Đây được cho là một trong những giải pháp nhằm bảo vệ sức khỏe người sản xuất, tiêu dùng, góp phần nâng cao thu nhập và hướng tới nền nông nghiệp sạch, phát triển bền vững.
Đề cập đến giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu chè trên toàn quốc, ông Lê Quốc Thanh nhấn mạnh, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng, các địa phương cần đề xuất, sửa đổi, hoàn thiện và ban hành các chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, khuyến khích phát triển các mô hình trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã trong sản xuất, chế biến chè an toàn, hình thành vùng sản xuất chè hàng hóa chất lượng cao, thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị giữa người sản xuất và các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Thái Nguyên
Tại Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030 xác định chè là một trong sáu sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Theo đó, Thái Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2025 diện tích chè đạt 23.500 ha, giá trị đạt 7.976 tỷ đồng; giá trị sản xuất đạt 350 triệu đồng/ha.
Đến năm 2030, diện tích đạt 24.500 ha, giá trị đạt 9.440 tỷ đồng; giá trị sản xuất đạt 400 triệu đồng/ha. Tích cực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè, phấn đấu diện tích sản xuất chè theo tiêu chuẩn GAP đạt 6.000 ha, chiếm 25,5% tổng diện tích, diện tích sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ đạt 235 ha, chiếm 1% tổng diện tích.
Để nâng tầm cây chè theo hướng hữu cơ trong thời gian tới, ông Phạm Văn Sỹ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Nguyên, cho biết: Trước mắt tỉnh đã xây dựng đề án phát triển các sản phẩm chủ lực; trong đó phát triển cây chè đóng vai trò mang tính đột phá, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp nhanh và bền vững. Bên cạnh đó, các địa phương và doanh nghiệp sản xuất chè cần đẩy mạnh liên kết sản xuất vừa đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ cao trong canh tác, chế biến, bảo quản chè, tỉnh đề nghị Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiếp tục hỗ trợ xây dựng các mô hình về sản xuất chè an toàn, hữu cơ. Đồng thời, đề nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ định hướng thị trường, mời gọi các doanh nghiệp chế biến sâu các sản phẩm trà, hỗ trợ cấp mã số vùng trồng chè Thái Nguyên đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc các sản phẩm trà, đáp ứng các hàng rào kỹ thuật hội nhập...
Lào Cai
Theo ông Nguyễn Xuân Giang - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Hà (Lào Cai): Trong những năm tới, diện tích nông nghiệp hữu cơ của huyện hứa hẹn sẽ tiếp tục được mở rộng vì còn nhiều dư địa. Cụ thể, trên địa bàn huyện còn hơn 100 ha chè tại xã Tả Củ Tỷ và gần 200 ha chè tại Bản Liền đang trong quá trình chuyển đổi, hướng tới công nhận đạt chuẩn hữu cơ trong những năm tới.
Ông Nguyễn Xuân Giang khẳng định: Tiêu chuẩn hữu cơ là tiêu chuẩn được thị trường quốc tế ưa chuộng bởi tính an toàn và bền vững. Các loại nông sản hữu cơ xuất khẩu đều rất thuận lợi, được giá nên sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ là xu hướng toàn cầu.
Những năm gần đây, người trồng chè tại huyện Bắc Hà (Lào Cai) đang nỗ lực chuyển đổi trồng chè từ lối canh tác thông thường sang phương pháp hữu cơ, đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu khắt khe của thị trường, người tiêu dùng theo xu hướng sản xuất nông nghiệp sạch, phát triển bền vững.
Đối với huyện vùng cao như Bắc Hà, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, đặc biệt là thói quen canh tác truyền thống rất phù hợp để chuyển đổi theo hướng hữu cơ nên có thể nói đây là thế mạnh, tiềm năng trong phát triển nông nghiệp của huyện. Tuy nhiên, chi phí để chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ quốc tế là rất lớn, thời gian để tạo “bước đệm” cũng rất dài, phải mất 3-4 năm chuyển đổi nên diện tích được công nhận chưa cao so với tiềm năng. Ngành nông nghiệp đang nỗ lực khai thác những thế mạnh sẵn có để phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững.
Yên Bái
Theo Trung tâm Khuyến nông Yên Bái, trong những năm qua, cây chè đã được tỉnh Yên Bái xác định là cây trồng có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế nhằm phát huy những ưu thế sẵn có về đất đai, lao động, việc tập trung đầu tư thâm canh, cải tạo và phát triển diện tích, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, tăng thu nhập góp phần xoá đói giảm nghèo.
Định hướng phát triển sản xuất chè an toàn theo hướng hữu cơ trong những năm tới, tỉnh sẽ hướng đến tái cơ cấu ngành chè Yên Bái theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, phát triển bền vững các mối quan hệ giữa trồng chè - chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Sắp xếp các cơ sở chế biến, đổi mới thiết bị, công nghệ, đa dạng hoá sản phẩm, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm mang lại giá trị gia tăng cao, nâng cao thu nhập cho người sản xuất, kinh doanh chè là mục tiêu mà tỉnh Yên Bái đang nỗ lực thực hiện để chè là 1 trong 10 cây trồng chủ lực.
Tỉnh sẽ tập trung vào các huyện có vùng chè lớn, có điều kiện thâm canh và mở rộng diện tích chè như Văn Chấn, Trấn Yên, Yên Bình...; xây dựng và hình thành được những vùng sản xuất chè an toàn nhằm tạo ra nguồn nguyên liệu sạch, có chất lượng cao tại các xã như: Bình Thuận, Thượng Bằng La, Suối Giàng.
Đối với các doanh nghiệp, cơ sở chế biến chè trên địa bàn, tỉnh sẽ đầu tư nâng cấp dây chuyền công nghệ chế biến theo hướng chuyên sâu để nâng cao giá trị sản phẩm. Ngoài ra, các địa phương cần tích cực trong việc xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, thương hiệu vùng và đăng ký sở hữu trí tuệ; phấn đấu 100% sản phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; gia tăng tỷ lệ sản phẩm chè xanh, chè đặc sản, chè hữu cơ đạt trên 30%; tiếp tục thực hiện đề án phát triển giống chè Shan - sản phẩm đặc sản tại các huyện vùng cao trong tỉnh…
Nhân Lê