Sản xuất nông nghiệp hàng hóa giúp nhiều địa phương ở Tuyên Quang “thay da đổi thịt”

Là huyện có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản. Do vậy việc thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2016 - 2025 đã mang lại hiệu quả tích cực đến đời sống, kinh tế khu vực nông thôn huyện Hàm Yên (tỉnh Tuyên Quang). Từ việc tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ đã góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân cũng như phong trào xây dựng nông thôn mới của huyện.

Phát huy lợi thế

Để thực hiện Nghị quyết số 16 hiệu quả, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã đề ra 3 nhiệm vụ trọng tâm gồm: Thực hiện tốt các giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế lâm nghiệp, tăng diện tích rừng được cấp chứng chỉ rừng quốc tế FSC; huy động, lồng ghép các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới; đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất.

Ông Đàm Ngọc Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hàm Yên cho biết, huyện đề ra các nhóm giải pháp cụ thể như: Thực hiện quy hoạch, quản lý, sử dụng hợp lý đất, cơ cấu lại các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa; xây dựng các chính sách về đất đai để hỗ trợ, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa. Huyện huy động các nguồn lực xã hội, nhằm thúc đẩy hoạt động đầu tư theo hình thức xây dựng NTM để nâng cấp, phát triển kết cấu hạ tầng cho sản xuất nông nghiệp giúp bà con nông dân thuận lợi hơn trong sản xuất; phát triển nhanh quy mô các chuỗi liên kết đối với các sản phẩm nông nghiệp.

Bên cạnh đó, tiếp thu, ứng dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật mới về giống và quy trình sản xuất, chế biến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị gia tăng của các nông sản, thu hút nông dân đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch. Ngoài ra, tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất, quản lý trong nông nghiệp, nông thôn; xây dựng, quảng bá, bảo vệ thương hiệu, xúc tiến thương mại, quản lý chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm…

Bằng việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra, đến nay, huyện Hàm Yên đã thực hiện hiệu quả công tác quản lý và thực hiện các quy hoạch về phát triển nông nghiệp như: Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2010 - 2015, kế hoạch đến năm 2020; Quy hoạch thủy sản, quy hoạch thủy lợi, quy hoạch vùng sản xuất cam; Quy hoạch phân ba loại rừng; chuyển đổi một số diện tích cây trồng hiệu quả thấp sang sản xuất hàng hóa có hiệu quả kinh tế cao. Từ đó đã hình thành các vùng sản xuất tập trung như:  cam sành với diện tích 7.269 ha trên địa bàn 13 xã, thị trấn, trong đó 756 ha cam được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất theo hướng hữu cơ, giá trị sản xuất đạt trên 846 tỷ đồng, chiếm 65% giá trị sản xuất ngành trồng trọt. Cây chè với diện tích 2.133 ha, giá trị sản xuất đạt trên 60,8 tỷ đồng/năm. Diện tích mía nguyên liệu năm 2019 là 449 ha, giá trị sản xuất đạt 21,2 tỷ đồng/năm…

Ngoài các cây trồng chủ lực trên, các xã, thị trấn đã vận dụng linh hoạt phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương để sản xuất hàng hóa cho thu nhập cao hơn trồng ngô, lúa, như: Cây chanh tứ mùa, bưởi, táo, thanh long, hoa cảnh, rau hàng hóa. Chăn nuôi cũng có bước phát triển mạnh, huyện đã thành lập 3 hợp tác xã chăn nuôi, bò, vịt bầu Minh Hương. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi năm 2019 đạt 445,6 tỷ đồng, chiếm 34,2% trong giá trị sản xuất nông nghiệp.

Sản xuất nông nghiệp hàng hóa giúp nhiều địa phương ở Tuyên Quang “thay da đổi thịt” - Ảnh 1

Một lợi thế khác của huyện là phát triển lâm nghiệp. Thời gian qua, huyện đã đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất, giá trị, hiệu quả rừng trồng; triển khai các chính sách hỗ trợ nhân dân trồng rừng bằng hỗ trợ giống cây keo lai mô, keo hạt nhập ngoại được 1.156 ha; đánh giá và cấp chứng nhận quản lý rừng bền vững (FSC) 2.500 ha. Sản lượng gỗ keo bình quân 90 m3/ha/chu kỳ 7 năm; giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp năm 2019 đạt trên 288,5 tỷ đồng.

Đến nay huyện Hàm Yên có 41 hợp tác xã lĩnh vực nông lâm nghiệp - thủy sản; 9 doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông, lâm nghiệp; 235 trang trại có doanh thu bình quân trên 835 triệu đồng/trang trại/năm. Huyện đã tập trung xây dựng, quảng bá, xúc tiến thương mại, trong đó thực hiện xây dựng chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm Cam sành Hàm Yên; tổ chức Hội chợ Cam sành Hàm Yên hằng năm; xây dựng được các nhãn hiệu sản phẩm như: chè xanh Làng Bát, chè Bạch Xa, gạo Minh Hương, bưởi Đức Ninh, cá đặc sản Thái Hòa, thịt trâu Hàm Yên, Vịt bầu Minh Hương, Đại bạch trà...

Góp phần xây dựng nông thôn mới

Xã Bình Xa đã tập trung vào một số cây trồng chủ lực như cây ăn quả, mía, chè, phát triển vùng chuyên sản xuất rau an toàn. Qua đó, góp phần để Bình Xa đạt hầu hết các chỉ tiêu về sản xuất nông nghiệp trong nhiệm kỳ 2015 - 2020. Đặc biệt, trong những năm qua, Bình Xa phát triển các mô hình điểm về kinh tế như: Hợp tác xã gà thiến thực hiện liên kết chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm; chăn nuôi lợn hướng nạc, gà thịt thả vườn hay trâu, bò sinh sản; hỗ trợ giống cây keo lai, phát triển vùng mía nguyên liệu, trồng chè cành. Nhờ đó diện mạo nông thôn của xã có nhiều khởi sắc, nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên, khu vực trung tâm xã nhiều cửa hàng cửa hiệu được mở mang, sầm uất mang hơi hướng của cuộc sống đô thị. Bình Xa được huyện xác định là xã đầu tiên của huyện sẽ hoàn thành nông thôn mới nâng cao vào năm 2020 và nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025.

Ông Lê Ngọc Duyên - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Bình Xa cho rằng, Ban Chấp hành Đảng bộ xã đã cụ thể hóa Nghị quyết 16 bằng nghị quyết chuyên đề, các kế hoạch thực hiện với những mục tiêu, biện pháp, giải pháp thực hiện và lộ trình cụ thể. Tuy nhiên yếu tố thành công quan trọng nhất trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa là Đảng ủy xã đã hướng cho bà con bám sát quy hoạch, thực hiện các loại cây con theo đúng định hướng từ đó góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững.

Không chỉ có xã Bình Xa, phát triể̉n nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn huyện Hàm Yên đã, đang có những bước chuyển đáng ghi nhận ở tất cả các xã. Sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa đang được mở rộng và đóng góp không nhỏ vào thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn của huyện. Việc thực hiện Nghị quyết 16 trên địa bàn huyện đã góp phần quan trọng đưa giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 4,23%/năm. Tỷ trọng giá trị nông sản hàng hóa chủ lực/tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt 62%, tăng 10,9% so năm 2015. Giá trị sản xuất bình quân/ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 84,05 triệu đồng/ha, tăng 1,34 lần so với năm 2015. Mức thu nhập bình quân đầu người năm 2020 của huyện đạt 31,8 triệu/người/năm, tăng 6,5%/năm kể từ năm 2015 đến nay.

Từ những lợi thế về phát triển nông nghiệp hàng hóa cũng như cách thức tổ chức sản xuất mới đang chứng minh hiệu quả và cho thấy nhiều triển vọng đem lại cho phát triển kinh tế của huyện. Do đó, tỉnh đã xác định mục tiêu Hàm Yên sẽ là huyện đầu tiên của tỉnh phấn đấu hoàn thành huyện nông thôn mới vào năm 2025.        

Thanh Hà