Sản xuất, tiêu thụ chè gặp khó do dịch Covid-19, Bắc Kạn triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ

Chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu; chủ động đưa sản phẩm tiêu thụ qua hệ thống thương mại điện tử; chủ động làm việc, đề nghị các nhà phân phối, bán lẻ hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm chè, sản phẩm nông nghiệp… Đó là những giải pháp mà tỉnh Bắc Kạn đang đồng bộ triển khai để tháo gỡ khó khăn cho sản phẩm chè do Covid 19 gây ra.

Nông dân Bắc Kạn thu hoạch chè
Nông dân Bắc Kạn thu hoạch chè

Sản phẩm chất lượng nhưng tiêu thụ gặp khó do dịch bệnh

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, Bắc Kạn hiện có trên 2.200ha chè các loại, tập trung ở 03 huyện Chợ Đồn, Chợ Mới, Ba Bể, trong đó, khoảng 2.000ha đang cho thu hoạch, sản lượng hơn 9.000 tấn búp tươi/năm. Chè Bắc Kạn được phân định 2 loại khác biệt đó là: Chè Shan tuyết cổ thụ được trồng trên núi cao tại xã Bằng Phúc (Chợ Đồn) và xã Yên Hân, Yên Cư (Chợ Mới); Chè trung du được trồng đại trà ở các xã Mỹ Phương, Chu Hương (Ba Bể), Như Cố, Quảng Chu (Chợ Mới).

Riêng chè Shan tuyết Bằng Phúc đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận Nhãn hiệu tập thể năm 2018. Đây là thương hiệu chè đặc sản của Bắc Kạn được người tiêu dùng ưa thích. Đối với cây chè Shan tuyết cổ thụ, do đặc điểm mọc ở núi cao, vùng khí hậu mát mẻ quanh năm nên chất lượng luôn được khẳng định.

Hiện có nhiều tổ hợp tác, HTX đầu tư sản xuất, chế biến và phân phối chè Shan tuyết như: Chè Shan tuyết cổ thụ, chè Shan tuyết cổ thụ túi lọc của HTX nông nghiệp Tát Vạ, xã Yên Hân; chè Shan tuyết Khau Mu của HTX nông nghiệp Thái Lạo, xã Yên Cư; chè Matcha Shan tuyết của Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp và Chế biến dược liệu Ngọc Thắng; chè Shan tuyết của HTX Hồng Hà, xã Bằng Phúc…

Sản phẩm chè của huyện Chợ Mới được trưng bày trongTuần lễ Cam quýt và các sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Kạn tại Hà Nội năm 2018
Sản phẩm chè của huyện Chợ Mới được trưng bày trongTuần lễ Cam quýt và các sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Kạn tại Hà Nội năm 2018

Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2020 đến nay, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong và ngoài nước tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động truyền thống trong kinh doanh, phân phối, xuất khẩu các mặt hàng nông sản, trong đó đặc biệt khó khăn cho sản phẩm chè.

Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã tác động to lớn tới tình hình sản xuất cũng như tiêu thụ, làm đứt gãy chuỗi lưu thông từ sản xuất, nguyên vật liệu vật tư nông nghiệp đầu vào cho đến các khâu như thu hoạch, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, phân phối tới các tỉnh thành phố để tiêu thụ cũng như xuất khẩu. Đặc biệt, tình hình giao nhận hàng hóa giữa các khu vực trong tỉnh, liên tỉnh gặp nhiều khó khăn khi nhiều tỉnh, thành phố áp dụng Chỉ thị 16.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Theo kế hoạch của tỉnh, mục tiêu đến năm 2025 tổng diện tích trồng chè đạt 2.500ha. Trong đó, diện tích chè trung du là 1.500ha, sản lượng đạt 9.500 tấn búp tươi; diện tích chè Shan tuyết 1.000ha, sản lượng đạt 2.500 tấn búp tươi. Theo đó, trồng mới chỉ có 453ha chè Shan tuyết; toàn bộ diện tích đạt tiêu chuẩn về ATTP, có nhãn mác bao bì sản phẩm; diện tích được chứng nhận VietGAP là 750ha và truy xuất được nguồn gốc.

Để đạt được mục tiêu trên và vượt khó qua đại dịch Covid -19, tỉnh Bắc Kạn đã đề ra các giải pháp chủ yếu như: Quy hoạch vùng nguyên liệu hàng hóa với diện tích 1.500ha chè trung du tại các xã, thị trấn thuộc huyện Chợ Mới, Ba Bể, Bạch Thông. Quy hoạch vùng chè Shan tuyết với diện tích 1.000ha, tại các xã thuộc huyện Chợ Đồn, Ba Bể, Chợ Mới…

Coi vấn đề nâng cao chất lượng sản phẩm là giải pháp cốt lõi, lâu dài… Bắc Kạn tập trung áp dụng biện pháp chăm sóc theo quy trình áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ cao, sản xuất bền vững; sản xuất, chế biến theo quy trình ATTP, VietGAP..., tăng hiệu suất sử dụng phân bón, giảm thuốc BVTV, vật tư nông nghiệp nhằm giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm, giảm phát thải, bảo vệ môi trường. Hỗ trợ cho các hộ nhỏ lẻ các thiết bị chế biến (máy vò, lò sao) để 100% sản lượng chè búp tươi được chế biến ngay sau thu hái. Duy trì năng suất, sản lượng và chất lượng chè Peloyen Đài Loan tại huyện Chợ Đồn. Chú trọng củng cố các HTX, tổ hợp tác sản xuất chè an toàn gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chè theo mô hình chuỗi giá trị.

Cây chè được trồng tại xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể
Cây chè được trồng tại xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể

Đi cùng với xu thế trong nước và quốc tế, để giúp các doanh nghiệp có cơ hội tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ cũng như quảng bá sản phẩm, thương hiệu chè của mình đến với đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước, đồng thời góp phần thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển, thu hút đầu tư và đẩy mạnh các hoạt động thương mại Bắc Kạn cũng đã đặc biệt chú trọng đẩy mạnh thương mại điện tử hỗ trợ tiêu thụ nông sản.

Theo đó, UBND tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp, trong đó có sản phẩm chè lên sàn thương mại điện tử để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản; đồng thời đề ra các giải pháp thiết thực để hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp mở cửa hàng trên sàn thương mại điện tử.

Trước hết, các cấp, ngành chức năng, sàn thương mại điện tử, các tổ chức, cá nhân cần phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả để thực hiện Kế hoạch, bảo đảm thiết thực và hiệu quả. Các cơ quan truyền thông tập trung tuyên truyền Kế hoạch trên các phương tiện thông tin như báo chí, phát thanh truyền hình, thông tin cơ sở... và các nền tảng số, mạng xã hội. Các hộ sản xuất nông nghiệp khi tham gia sàn thương mại điện tử đảm bảo những điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định như giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận sản phẩm, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm…

Việc hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp, sản xuất chè lên sàn thương mại điện tử tập trung vào sàn Postmart.vn thuộc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và sàn Voso.vn thuộc Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel.

Tỉnh giao UBND các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn phối hợp với Bưu điện tỉnh, Chi nhánh Bưu chính Viettel Bắc Kạn, các sàn thương mại điện tử tổ chức phổ biến, tập huấn, đào tạo kỹ năng số cho hộ sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ kết nối hộ sản xuất nông nghiệp với sàn thương mại điện tử để hướng dẫn tham gia giao dịch trên sàn thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã chủ động làm việc, đề nghị các nhà phân phối, nhà bán lẻ lớn trong nước đề nghị hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm chè… Đáng chú ý, trong công văn ngày 8/11/2021 gửi Công ty Cổ phần dịch vụ Thương mại tổng hợp Wincommerce, tỉnh Bắc Kạn cho biết, “do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên việc tiêu thụ nông sản địa phương gặp nhiều khó khăn, trong khi trên địa bàn tỉnh chưa có đầu mối thu mua, bao tiêu ổn định; hộ trồng có nguy cơ bị tư thương ép giá nên hiệu quả kinh tế không cao”.

UBND tỉnh Bắc Kạn tỉnh đề nghị doanh nghiệp hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản, đồng thời giới thiệu Chi nhánh Bưu chính Viettel Bắc Kạn là đơn vị đầu mối kết nối thu mua, vận chuyển và cung cấp các mặt hàng nông sản trên cũng như hoàn thiện thủ tục giấy tờ, các điều kiện cần thiết để đưa sản phẩm nông sản tỉnh Bắc Kạn vào hệ thống siêu thị Winmart và Winmart+.

Với các giải pháp quyết liệt, đồng bộ và kịp thời, tin tưởng rằng, sản phẩm chè nói riêng và sản phẩm nông nghiệp nói chung của Bắc Kạn sẽ sớm được tháo gỡ khó khăn, sớm ổn định lại sản xuất, tiêu thụ, giảm thiểu ảnh hưởng xấu do tác động của đại dịch Covid – 19 gây ra.

* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.