Thời gian gần đây, người dân phản ánh về tình trạng giả danh các nhà mạng gọi điện đến khách hàng để nâng cấp dịch vụ sim điện thoại, sau đó chiếm quyền kiểm soát sim để thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền, hay bị làm giả các loại giấy tờ để mở tài khoản ngân hàng thực hiện hành vi lừa đảo.
Bộ Công an cho biết, một trong những nguyên nhân là do các nạn nhân đã bị lộ, lọt thông tin cá nhân và bị kẻ xấu lợi dụng.
Gửi một vài tin nhắn theo cú pháp được hướng dẫn, một người phụ nữ đã mất gần 300 triệu đồng bởi tin vào kịch bản các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng.
"Có một người gọi bảo chị có đổi sim 5G không. Sau đó tôi thấy tài khoản tự dưng mất tiền", nạn nhân chia sẻ.
Theo công an, nhóm lừa đảo đã lợi dụng vào chính sách nâng cấp dịch vụ sim điện thoại của các nhà mạng để yêu cầu nạn nhân gửi tin nhắn theo cú pháp mà đối tượng chỉ định. Từ đây sim điện thoại của nạn nhân sẽ mất quyền kiểm soát, các thông tin cá nhân, tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng, ví điện tử và mã OTP đã bị nhóm lừa đảo chiếm đoạt để rút tiền.
Ngoài sử dụng thông tin của bị hại để rút tiền, các đối tượng còn sử dụng thông tin cá nhân này để thực hiện hành vi vay tiền qua các app online, làm giấy tờ giả để thực hiện các vụ lừa đảo. Mới đây, tại tỉnh Hà Tĩnh, một người phụ nữ đã bị các đối tượng làm giả chứng minh nhân dân, mở tài khoản ngân hàng để phục vụ lừa đảo mua bán thiết bị điện dân dụng. Vụ việc hiện đang được công an điều tra xử lý.
Theo các chuyên gia công nghệ, trong các vụ việc trên, các đối tượng đã chiếm đoạt thông tin cá nhân của người dùng bằng cách thả vào các đường link chứa mã độc. Từ đó, các đối tượng sẽ kích hoạt dịch vụ Internet Banking, Smart Banking để chiếm đoạt tiền.
"Trang web này có thể gắn những mã độc, những mã này được tải xuống và gắn vào thiết bị điện thoại hoặc máy tính của người sử dụng, từ đó chiếm quyền kiểm soát của người dùng và lấy những thông tin nhạy cảm, dữ liệu quan trọng của người đó", ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Công ty cổ phần an toàn thông tin CyRadar, cho biết.
"Các dịch vụ như ví điện tử, ngân hàng số, giao dịch online đều dựa trên việc xác thực, một cách xác thực đơn giản là dùng xác thực qua SMS, số điện thoại. Cách xác thực này không hoàn toàn an toàn nếu chúng ta để điện thoại không an toàn", Tiến sĩ Vũ Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam, nhận định.
Số liệu từ cơ quan giảm sát an ninh mạng cho biết, từ đầu năm đến nay, các vụ lừa đảo trên không gian mạng tại Việt Nam liên tiếp gia tăng. Cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 5,4 triệu tên miền độc hại và các web lừa đảo đang tìm cách xâm nhập vào không gian mạng để lừa đảo, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm gia tăng nhiều nhất vẫn là các chiêu trò giả danh ngân hàng điện tử, ví điện tử, bán hàng online và các dịch vụ mạng xã hội.
Hoài An (t/h)