Năm 2021, cuộc đua tăng vốn điều lệ của các ngân hàng lại trở nên sôi nổi sau hai năm "lặng sóng". Không chỉ là sự "gỡ rào" đối với nhóm ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, VietinBank và BIDV) mà còn ở sức bật mạnh từ nhóm cổ phần.
Phần lớn ngân hàng theo khảo sát của chúng tôi đều có kế hoạch tăng vốn điều lệ đáng kể trong năm 2021 với mức tăng từ vài nghìn cho đến hàng chục nghìn tỷ đồng.
Sắp có sự soán ngôi từ ngân hàng cổ phần?
Điểm bất ngờ nhất trong những con số kế hoạch tăng vốn các ngân hàng đến từ VPBank khi lãnh đạo ngân hàng này tuyên bố sẽ tăng vốn điều lệ lên 75.000 tỷ đồng vào năm 2022, gấp ba lần hiện tại và có thể trở thành ngân hàng vốn điều lệ lớn nhất thị trường năm 2022, vượt qua tất cả "ông lớn" ngân hàng quốc doanh.
Mặc dù, tham vọng lớn trong năm 2022 nhưng ngân hàng lại bỏ ngỏ kế hoạch tăng vốn trong năm nay. Cho biết tại đại hội cổ đông, Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh cho biết hiện hệ số CAR của ngân hàng là 11%, và tỷ lệ này có thể tăng lên trên 20% sau bán vốn FE Credit (dự kiến hoàn tất trong tháng 6), vì vậy, ngân hàng không chịu áp lực tăng vốn năm nay.
Tính đến cuối năm 2020, ba ngân hàng quốc doanh gồm BIDV (vốn điều lệ 40.220 tỷ đồng), VietinBank (37.234 tỷ) và Vietcombank (37.089 tỷ) vẫn nắm giữ vị trí dẫn đầu về vốn điều lệ. Techcombank là ngân hàng tư nhân duy nhất nằm trong top 5 có vốn điều lệ 35.049 tỷ, cao hơn ông lớn Agribank (30.614 tỷ).
Tuy nhiên, bảng xếp hạng vốn điều lệ các ngân hàng sẽ có sự thay đổi mạnh mẽ trong năm nay nếu các ngân hàng hoàn tất kế hoạch tăng vốn đã đề ra.
VietinBank là ngân hàng đặt tham vọng lớn nhất với kế hoạch đưa chỉ tiêu này đến cuối năm lên mức 54.134 tỷ đồng. Mức vốn điều lệ này có thể giúp VietinBank trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất hệ thống vào cuối năm.
Tiếp đó sẽ là Vietcombank với mức vốn kỳ vọng vào cuối năm 2021 là 50.401 tỷ đồng và "quán quân" vốn điều lệ hiện tại là BIDV có thể sẽ rớt xuống vị trí thứ ba với 48.524 tỷ đồng.
Cuộc rượt đuổi có vẻ sôi động hơn trong nhóm các ngân hàng cổ phần khi một số ngân hàng có kế hoạch tăng vốn khủng.
Một số ngân hàng có kế hoạch tăng vốn khủng khác trong năm 2021 phải kể đến như ABBank (tăng 64,7%) Sacombank (tăng gần 32%); VIB (tăng 44,2%); SCB (Tăng 32,8%); OCB (tăng 31,8%); ACB và HDBank (cùng tăng 25%);...
Theo nhận định của nhóm phân tích của Chứng khoán SSI (SSI Research), động lực từ việc hoàn thành Basel II trong năm 2019 và những thách thức trong đại dịch là nguyên nhân khiến các ngân hàng xác định cần bộ đệm vốn lớn hơn.
Mặt khác, từ năm 2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thắt chặt việc ngân hàng trả cổ tức tiền mặt và thay vào đó là khuyến khích trả cổ tức cổ phiếu hoặc dùng nguồn lực để xử lý hết trái phiếu VAMC. Hai yếu tố này là động lực khiến các ngân hàng tích cực tăng vốn bằng phát hành cổ phiếu trong năm 2021.
Những mảnh ghép khác màu
Trong cuộc đua tăng vốn, vẫn có những mảnh ghép khác màu. Techcombank là một ví dụ, ngân hàng từng ghi nhận tăng vốn mạnh mẽ trong những năm 2017 - 2018 lại đang có bước tạm nghỉ với mức tăng vốn khiêm tốn từ 35.049 tỷ đồng lên 35.109 tỷ đồng bằng phát hành ESOP trong năm nay.
Chủ tịch Hồ Hùng Anh cho biết: "Hiện vốn chủ sở hữu của ngân hàng vẫn đang ở mức tốt nhờ lợi nhuận để lại nhiều năm. Hệ số CAR của ngân hàng đang đạt 16,1% nên ngân hàng cũng chưa vội phải tăng mạnh vốn điều lệ". Ông khẳng định không quá quan trọng chỉ tiêu vốn điều lệ và sẽ không tăng vốn bằng mọi giá.
Hay như Sacombank, ngân hàng đã trình NHNN về kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông nhưng chưa được NHNN phê duyệt. "Dự kiến đến năm 2022 hoặc đầu năm 2023 có thể chia cổ tức. Bản chất vấn đề là tái cơ cấu, khi tái cơ cấu thành công mới xử lý các vấn đề khác như chia cổ tức, cổ đông chiến lược", ông Dương Công Minh giải thích.
Tại những ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu như Sacombank việc tăng vốn cũng khá khó khăn trong quá trình thực hiện. Phần lớn trong số này sẽ không được phát hành cổ tức bằng cổ phiếu nên kế hoạch tăng vốn sẽ chủ yếu là phát hành cho cổ đông hiện hữu hoặc chào bán cổ phiếu mới.
Hơn nữa, bản thân những ngân hàng đó cũng đang phải gánh trên vai sức nặng của quá trình tái cơ cấu thường đi kèm với khối lượng nợ xấu, khoản phải thu, phải xử lý lớn.
Những mảnh ghép khác màu này cho thấy tăng vốn không phải là tất cả. Khi ngân hàng tăng vốn, đồng nghĩa với áp lực tăng trưởng về lợi nhuận cũng tăng theo. Nếu dư nợ cho vay tăng cao mà không kiểm soát được chất lượng có thể làm giảm chất lượng tài sản.
Do đó, tăng vốn điều lệ chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ, tăng trưởng bền vững, đa dạng và liên tục mới là điều các ngân hàng cần phải hướng đến.
Phương Nga
Theo Doanh Nghiệp Niêm Yết