Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ năm 2017 trở lại đây, sầu riêng trở thành cây làm giàu cho người nông dân tại một số tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long như Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Cần Thơ; vùng Tây Nguyên như Đắk Lắk, Lâm Đồng; vùng Đông Nam bộ như Đồng Nai, Tây Ninh do giá ở mức cao, hiệu quả sản xuất mang lại cho người sản xuất là rất lớn.
Người nông dân đã mở rộng diện tích sản xuất nhanh chóng thông qua trồng cây sầu riêng xen trong vườn cây ăn quả, nhất là chuyển đổi một số diện tích lúa sang trồng cây sầu riêng tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Diện tích sầu riêng tăng rất nhanh trong 5 năm trở lại đây, tính đến cuối năm ngoái, cả nước phát triển được hơn 110.000 ha sầu riêng, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2017 (37.000 ha), trung bình mỗi năm diện tích sầu riêng tăng 24,5% trong giai đoạn này. Nhờ đó, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 3 thế giới về diện tích và sản lượng sầu riêng.
Đáng chú ý, tuy mới tham gia vào thị trường thế giới, nhưng xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đã tăng kỷ lục nhờ nắm bắt rất tốt cơ hội sau khi ký Nghị định thư xuất khẩu mặt hàng này theo con đường chính ngạch với Trung Quốc. Xuất khẩu sầu riêng 7 tháng đầu năm nay đã thu về 1,1 tỷ USD, “đánh bật” thanh long – loại quả đã 10 năm liền đứng đầu trong top các loại trái cây xuất khẩu của nước ta để vươn lên chiếm vị trí top đầu và chính thức lọt vào “câu lạc bộ xuất khẩu tỷ USD” của ngành nông nghiệp. Xuất khẩu sôi động cũng đẩy giá sầu riêng tại các vùng trồng tăng vọt. Báo cáo tình hình sản xuất và diễn biến giá cả một số mặt hàng nông sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, trong tháng 7, giá sầu riêng Ri6 tăng 7.400 đồng/kg, lên mức 80.000 đồng/kg. Dự kiến xuất khẩu sầu riêng cả năm nay của Việt Nam sẽ tăng mạnh, đạt 1,2-1,5 tỷ USD, gấp 3,5 lần so với năm ngoái.
Trên thị trường xuất khẩu, sầu riêng Indonesia tuy đứng đầu về diện tích nhưng chủ yếu cung cấp cho thị trường nội địa. Hiện Thái Lan là nước xuất khẩu sầu riêng lớn nhất thế giới, có kinh nghiệm 10 năm xuất khẩu mặt hàng này nên là đối thủ cạnh tranh lớn của Việt Nam. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới, đã đầu tư vùng trồng sầu riêng ở đảo Hải Nam (TP Tam Á) với dự kiến tháng 6/2023, sản lượng thu hoạch đạt hơn 2,4 ngàn tấn nhưng thực tế chỉ thu hoạch được 50 tấn nên vẫn còn cửa rộng cho sầu riêng Việt Nam vào thị trường này.
Là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu thanh long, chanh dây, sầu riêng… sang nhiều thị trường như: châu Âu, Hoa Kỳ, Australia, Trung Đông và gần đây là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, ông Mai Xuân Thìn, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ (TPHCM) cho biết, ngoài mặt hàng sầu riêng tươi, sầu riêng đông lạnh của Việt Nam còn xuất khẩu đi rất nhiều nước ở châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… nhưng vẫn chưa được chú ý nhiều. Đầu tư để làm sầu riêng đông lạnh hoàn toàn nằm trong khả năng của doanh nghiệp Việt Nam. Thách thức lớn nhất hiện nay là tiếp tục mở rộng thị trường cho mặt hàng này. Do đó, doanh nghiệp kỳ vọng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đàm phán xuất khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh vào thị trường Trung Quốc để góp phần tăng doanh thu cho toàn ngành.
Tuy tiềm năng của thị trường xuất khẩu sầu riêng tươi còn rất lớn nhưng để cả chuỗi ngành hàng này phát triển bền vững cần thu hút đầu tư cho chế biến. Bởi việc tăng “nóng” diện tích sầu riêng cũng đặt ra nhiều thách thức để ngành hàng này phát triển bền vững. Bên cạnh đó, dù xuất khẩu sầu riêng Việt tăng mạnh, nhưng trị giá xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam hiện mới chỉ bằng 1/3 mà sầu riêng Thái Lan thu được tại thị trường Trung Quốc.