Theo đó, gần 93% DN Đức cho biết sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, hơn 64% DN kỳ vọng hoạt động kinh doanh sẽ tốt hơn trong 12 tháng tới và 46% DN có kế hoạch tuyển dụng thêm lao động trong năm tới.
Những yếu tố quan trọng nhất giúp doanh nghiệp Đức đưa ra quyết định đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, bao gồm: Tình hình chính trị ổn định, có nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành kỹ thuật và các nhóm ngành khác như vận tải và logistics.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức nhận định, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để thu hút dòng vốn đầu tư từ nước ngoài nhờ tham gia các Hiệp định Thương mại Tự do.
Bên cạnh đó, có hơn 73% doanh nghiệp Đức tin rằng việc triển khai Hiệp định giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam làm tăng khả năng cạnh tranh của họ tại Việt Nam. Họ thường xuyên tận dụng Hiệp định Thương mại Tự do giữa ASEAN và Trung Quốc (ACFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Khi triển khai hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, doanh nghiệp Đức đánh giá những yếu tố sau là quan trọng nhất: có nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành kỹ thuật (58,3%), chất lượng giáo dục của các ngành kỹ thuật (58,3%), và hàng rào thương mại thuế quan (56,5%).
Song, các DN Đức vẫn muốn Việt Nam cần tăng cường hơn nữa năng lực, công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Theo các DN này, nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng vận hành máy móc hiện đại, thành thạo kỹ năng vận hành sản xuất sẽ giúp Việt Nam thu hút tốt hơn đầu tư từ Đức và các quốc gia khác. Để thu hút dòng vốn từ các DN Đức, Việt Nam cũng cần tăng cường đối thoại với cộng đồng DN, từ đó có các chính sách phù hợp, tăng tính hấp dẫn môi trường đầu tư.