Trao đổi với ông Nguyễn Xuân Thao - Giám đốc HTX cà phê Bích Thao cho biết: “Năm 2017, tôi liên kết các hộ trồng cà phê bản Hoàng Văn Thụ thành lập HTX cà phê Bích Thao và được tín nhiệm bầu làm Giám đốc HTX với 11 thành viên, quy mô 50 ha cà phê. Cũng trong năm này, HTX cà phê Bích Thao là 1 trong 6 đơn vị được Sở Khoa học và Công nghệ cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Sơn La. Các sản phẩm được bảo hộ gồm: Cà phê nhân, cà phê hạt rang và cà phê bột. Sau gần 5 năm thành lập, HTX đã có bước phát triển vững chắc. Vụ cà phê 2019-2020, đã xuất bán trên 2.000 tấn cà phê nhân, 12 tấn cà phê bột nguyên chất. Trong đó, 80% sản phẩm xuất khẩu sang các nước: Đức, Pháp, Mỹ. Doanh thu đạt 40 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương, thu nhập 5-6 triệu đồng/người/tháng”.
Đặc biệt, theo phương châm không chạy theo số lượng mà đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật nâng cao chất lượng cà phê và khắc phục ô nhiễm môi trường. Đầu năm 2021, HTX đã khởi công xây dựng Nhà máy chế biến cà phê quy mô gần 1.120 m², công suất 20 tấn cà phê nhân/ngày, với tổng vốn đầu tư 16 tỷ đồng, trong đó: UBND Thành phố hỗ trợ 2,1 tỷ đồng còn lại vốn huy động của HTX. Dây chuyền chế biến theo quy trình khép kín, gồm: Máy sát, sàng kích thước, sàng trọng lượng, máy bắn màu công nghệ của Đức và Mỹ, máy rang, xay cà phê, có kho bảo quản, khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Ngoài ra, HTX cũng đầu tư xây dựng 3 nhà kính trong đó, 2 nhà kính ngay sau Nhà máy với diện tích 700 m²/nhà và 1 nhà kính ở xã Mường Do (Phù Yên) rộng 1.500 m². Đặc biệt, HTX sử dụng phương pháp chế biến ướt, phơi trong nhà kính thân thiện môi trường.
Trà siro vỏ cà phê là sản phẩm mới nhất của HTX được nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm thành công phục vụ xuất khẩu. Ở nước ngoài, trà siro vỏ cà phê được người tiêu dùng biết đến và yêu thích bởi giàu vitamin, vị ngọt tự nhiên, chứa rất ít chất kích thích, có tác dụng làm mát gan, giảm mỡ máu... Đặc biệt, sản xuất trà siro vỏ cà phê còn khai thác triệt để sản phẩm quả; trong quá trình sản xuất, chế biến cà phê không hề sử dụng nước nên vừa tiết kiệm lại vừa không gây ô nhiễm môi trường.
Nắm bắt được yếu tố đó, là một người tâm huyết với cây cà phê Sơn La, ông Nguyễn Xuân Thao - Giám đốc Hợp tác xã cà phê Bích Thao đã được các chuyên gia Đức, Mỹ chuyển giao công nghệ sản xuất mới. Nhờ đó, đầu năm 2018, Hợp tác xã đã sản xuất thành công sản phẩm trà quả cà phê từ vỏ cà phê có mùi thơm tự nhiên, giàu vitamin, có tác dụng làm mát gan, giảm mỡ máu… Sản phẩm được người tiêu dùng trong nước yêu thích và xuất khẩu thành công sang Pháp, Đức, Hoa Kì.
Quy trình sản xuất, chế biến sản phẩm này hết sức nghiêm ngặt, 100% phải là cà phê chín đỏ, thu hái, sơ chế theo quy trình và được phơi trong nhà kính. Để sản xuất trà quả cà phê, cà phê phải được thu hái trong khoảng thời gian nhất định, từ 9-10 giờ sáng và 15-17 giờ chiều, đảm bảo giữ được lượng đường tự nhiên có trong vỏ cà phê. Cà phê thu hái về sẽ được rửa, hong khô từ 3-4 giờ rồi thực hiện tách vỏ. Công đoạn tách vỏ không sử dụng nước như quy trình sản xuất truyền thống nên tránh gây ô nhiễm môi trường. Vỏ cà phê được sản xuất thành trà, nhân dùng để chế biến cà phê mật ong.
Kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cà phê bằng phân hữu cơ và chế biến quả cà phê theo phương pháp không sử dụng nước, phơi trong nhà kính, đảm bảo phẩm chất nội tại của hạt cà phê, cho ra sản phẩm cà phê nhân có màu sắc và chất lượng đồng nhất, nên cà phê luôn có chất lượng tốt và giá trị thương mại cao, giảm thiểu tối đa chất thải, góp phần bảo vệ môi trường trong lành, thân thiện.
HTX còn thu mua cà phê cho nông dân trong vùng, với số lượng hàng chục tấn cà phê nhân mỗi năm. Ngoài ra, hoạt động của HTX còn tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động tại địa phương, đồng thời tạo ra sản phẩm có giá trị xuất khẩu, góp phần quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng và thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở Sơn La. Đặc biệt, so sánh với giá cà phê thông thường được chế biến theo phương pháp truyền thống, giống cà phê đặc sản mới cho chất lượng cao hơn hẳn, giá trị kinh tế cũng tăng gấp 3 - 4 lần, sản phẩm trà siro vỏ cà phê có giá là 450.000đ/kg.
Ông Vương Hải - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Sơn La, chia sẻ: “Theo thống kê trên thế giới, cà phê đặc sản đạt 12% tổng sản lượng, ở Việt Nam mới chiếm 1,7% sản lượng. Việc HTX cà phê Bích Thao chuyển sang trồng cà phê giống mới theo hướng hữu cơ để sản xuất cà phê đặc sản là hướng đi đúng, bắt nhịp xu hướng”.
Được biết, để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm theo chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn, từng bước xây dựng uy tín, thương hiệu cà phê Bích Thao nói riêng và cà phê Sơn La nói chung trên thị trường quốc tế, HTX đã tập trung mở rộng quy mô sản xuất, ký kết hợp đồng thu mua nông sản với 800 hộ trồng cà phê trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2018 đến nay, HTX tích cực ứng dụng khoa học công nghệ trong các khâu sản xuất, triển khai mô hình trồng 15 ha cà phê an toàn, được công nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; HTX cũng được Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cà phê EAKMAT) phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai Chương trình phát triển cà phê quốc gia, trồng thử nghiệm 15 ha trồng cà phê chè giống mới (THA 1) trên địa bàn xã Hua La (Thành phố) và xã Mường Do (Phù Yên). Ngoài ra, HTX phối hợp với Tập đoàn NTEA Việt Nam triển khai mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ và đầu tư giống, phân bón, trồng mới 10 ha giống cà phê chè THA 1, năng suất cao, quả to, hiện đã cho sản phẩm phục vụ chế biến xuất khẩu.
Ông Nguyễn Thế Phương - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Sơn La cho biết: “Thành phố hiện có trên 4.900 ha cà phê. Xác định cà phê là cây trồng chủ lực, làm giàu cho hàng nghìn hộ dân, Thành phố luôn đồng hành và tạo điều kiện để HTX tham gia các hội chợ, triển lãm giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Chúng tôi rất vinh dự và tự hào khi sản phẩm cà phê bột nguyên chất của HTX Bích Thao đã đạt sản phẩm OCOP Quốc gia 5 sao. Đây là mô hình sản xuất cà phê thân thiện với môi trường được khuyến khích nhân rộng”./.
Sơn Thủy