Tận dụng những lợi thế, vị trí địa lý, đất đai phù hợp, khí hậu quanh năm mát mẻ, sương mù bao phủ quanh năm…Tạo điều kiện thuận lợi để cây chè sinh trưởng tốt, kết thành hương vị đặc trưng riêng thấm đậm hương vị của núi rừng Tây Bắc.
Hành trình gian nan tìm lối đi riêng cho sản phầm chè Tân Lập
Năm 2003, HTX sản xuất kinh doanh chè Tân Lập - Mộc Châu được thành lập, gồm 350 hộ thành viên liên kết, với tổng diện tích trên 85 ha.Thời gian đầu, HTX còn nhiều khó khăn do chưa có trụ sở, chưa tìm được đầu ra ổn định, không có quy trình chăm sóc cụ thể sản phẩm chè làm rs còn kém chất lượng, phải thông qua nhiều tư thương, giá chè lại thấp làm ảnh hưởng đến nhiều diện tích trồng chè. Người trồng chè không còn thiết tha để chăm sóc cây chè mà thay vào đó lại đầu tư vào nhiều loại cây trồng khác, có thời điểm, HTX gần như đã phải dừng hoạt động.
Trải qua hành trình gian nan không ngừng học hỏi kinh nghiệm, tìm hiểu các quy trình kỹ thuật chăm sóc, chế biến của các cơ sở lớn, tìm hướng đi tiêu thụ sản phẩm, động viên, khích lệ, hỗ trợ các hộ trồng chè đầu tư phân bón, hỗ trợ giá, học hỏi kỹ thuật được tiếp xúc với các quy trình chăm sóc chè ...Đến năm 2015, HTX bước đầu khôi phục sản xuất, hoạt động trở lại, sản lượng chè búp tươi đạt trên 300 tấn/ năm, từng bước tạo dựng thương hiệu chè bản Dọi Tân Lập. Sau 5 năm khôi phục sản xuất, hoạt động ổn định sản lượng chè búp tươi tăng lên đạt 1.200 tấn/năm góp phần tạo niềm tin, động lực cho các hộ trồng chè trên địa bàn. Mặc dù vậy, xong với hướng đi xuất khẩu là chính, HTX đã gặp nhiều khó khăn trong cước phí vận chuyển đường biển cũng như việc tìm chất đốt thích hợp... ảnh hưởng khá nhiều đến chi phí sản xuất.
Ông Phạm Ngọc Bình, Phó Giám đốc HTX cho biết: Trong khâu sản xuất chế biến, hiện HTX đã thay thế chất đốt từ than thành quì ngô, hạn chế được nhiều chi phí, sức lao động… Khắc phục được những khó khăn đó HTX đã tiếp tục triển khai xây dựng các sản phẩm OCOP, tìm hiểu các thị trường tiêu thụ từ Bắc vào Nam bước đầu đã mang lại nhiều giá trị tích cực.
Xây dựng sản phẩm chè OCOP, đẩy mạnh xuất khẩu chè ra thế giới
Với tổng diện tích chè hơn 80 ha chè Shan Tuyết, gần 10 ha chè Bát Tiên trong đó 20 ha được áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và theo hướng hữu cơ…Vực dậy từ khó khăn HTX sản xuất, kinh doanh chè Tân Lập - Mộc Châu từng bước tạo dựng thương hiệu bằng con đường sản xuất chè sạch, an toàn có sức cạnh tranh cao trên thị trường; nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Bên cạnh đó, HTX đã đầu tư nhà máy sản xuất rộng hơn 1.000 m² ở bản Dọi 1, xã Tân Lập và xưởng chế biến tại tiểu khu 26/7, thị trấn Nông trường Mộc Châu với hệ thống máy móc hiện đại. Tất cả các công đoạn sản xuất, HTX tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn, đảm bảo quy trình sản xuất an toàn, hiệu quả, tự động hóa đến 70%, với công suất 5 tấn chè khô, gần 25 tấn chè búp tươi /ngày. Cùng với đó, HTX chú trọng xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, tem truy xuất nguồn gốc; xây dựng hệ thống đại lý giới thiệu sản phẩm tại. Năm 2020, HTX có 2 sản phẩm chè Shan đặc biệt và chè Bát Tiên đặc biệt đạt sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh.
Đến nay, đã có hàng nghìn tấn chè thành phẩm của HTX được xuất khẩu sang thị trường các nước Trung Đông. Những búp chè Bát Tiên tươi ngon được thu hái bằng phương pháp thủ công và được lựa chọn kỹ lưỡng từng búp chè đạt tiêu chuẩn, giá thu mua chè Bát Tiên loại I là 16.000 đồng/kg, loại II là 7.000 đồng/kg, Chè Shan là 5.700 đồng/kg, chế biến theo phương pháp truyền thống đã tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng vô cùng đặc biệt, mang lại thu nhập ổn định cho bà con trồng chè.
Khách hàng dùng sản phẩm chè của HTX đã chia sẻ trên trang Tanlap tea ông Mike Nguyen nói: Tôi rất thích dùng trà của HTX sản xuất kinh doanh chè Tân Lập Mộc Châu, tôi được giới thiệu sản phẩm qua một đối tác lớn và đã sử dụng các sản phẩm ở đây hơn 7 năm.
Nâng tầm thương hiệu chè Tân Lập (TanLap tea), tạo thu nhập ổn định cho người trồng chè
Chặt chẽ trong các khâu sản xuất, áp dụng đúng quy trình chăm sóc theo tiêu chuẩn vietGAP, các sản phẩm chè của HTX đang ngày càng khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước. Với thương hiệu “Tân Lập tea” HTX sản xuất, kinh doanh chè Tân Lập - Mộc Châu có nhiều sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá cao và ngày càng ưa chuộng như: Chè Bát Tiên đặc biệt, Chè Shan đặc biệt, đạt OCOP 4 sao; chè Shan Tuyết cổ thụ Háng Đồng Tà Xùa, Hồng Trà Tân Lập Tea…
Ông Vàng A Thào, Chủ tịch UBND xã Tân Lập khẳng định: HTX sản xuất, kinh doanh chè Tân Lập - Mộc Châu là một trong những đơn vị điểm hình tiên tiến sản xuất chè hiệu quả đã mang lại nhiều giá trị tích cực cho người trồng chè tại địa phương, góp phần đẩy mạnh quá trình xây dựng phát triển tại địa phương.
Với sự nỗ lực vươn lên, không ngừng tìm hiểu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất doanh thu bình quân của HTX đạt từ 60 - 80 tỷ đồng/năm. Tạo việc làm cho công nhân lao động địa phương với mức lương từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Sự phát triển của HTX sản xuất, kinh doanh chè Tân Lập - Mộc Châu đã giúp nâng cao đời sống các hộ dân trên địa bàn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tái định cư thủy điện Sơn La từ những năm 2003 ổn định trên quê hương thứ 2.
Đặc biệt, 350 hộ dân liên kết trồng chè có thu nhập bình quân 36 triệu đồng/năm. Vụ chè năm 2022 với diện tích 5.000m2 đất trồng chè, nhờ đầu tư tốt, ứng dụng kinh nghiệm khoa học kỹ thuật sản xuất, hộ gia đình ông Lò Văn Điện là hộ tái định cư bản Dọi đã thu được 16 tấn chè búp tươi, sau 5 lứa thu hái đạt trên 90 triệu đồng/năm đời sống gia đình ngày càng ổn định hơn.
Với những gì đã làm được, HTX sản xuất, kinh doanh chè Tân Lập - Mộc Châu tăng cường liên kết hợp tác giữa các thành viên và hộ sản xuất, đồng hành với các hộ trồng chè vươn lên làm giàu, đưa thương hiệu chè Tân Lập ngày càng bay xa tới các thị trường trong nước và thế giới, tạo thu nhập ổn định cho bà con, góp phần xây dựng nông thôn mới Tân Lập khởi sắc.
HTX SẢN XUẤT VÀ KINH DOANH CHÈ TÂN LẬP
– Bản Dọi, xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La
– Số706, tiểu khu Chè Đen 1, Thị trấn Nông trường Mộc Châu (đối diện cổng Làng Chè 69)
ĐT: (+84) 983 483 772.
NAM TRỨ/ VP TÂY BẮC