Hiện nay, trên địa bàn huyện có 71 HTX, 1 liên hiệp HTX, với tổng số thành viên 761 người. Trong đó: có 66 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp với 726 thành viên. Tổng số vốn điều lệ gần 100 tỷ đồng.
Với mục tiêu là ưu tiên xây dựng các mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị, sản phẩm chủ lực của địa phương, huyện đã chỉ đạo triển khai các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX như: hỗ trợ con, cây giống, khoa học kỹ thuật, in bao bì, nhãn mác chứng nhận VietGap, quảng bá giới thiệu sản phẩm... Đặc biệt, huyện tạo điều kiện để các HTX phát triển đúng hướng và hiệu quả hơn, nhằm đảm bảo năng lực cạnh tranh trên thị trường, đồng thời tạo điều kiện cho các HTX đổi mới về tổ chức, hoạt động để thích ứng với cơ chế thị trường.
Ngoài việc chuyên canh một số loại cây ăn quả chủ lực như: Nhãn, xoài.... các HTX nông nghiệp tại huyện còn sản xuất một số loại rau màu theo tiêu chuẩn VietGap, Organic để cung cấp cho thị trường. Nhờ áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất mà các HTX trên địa bàn huyện đã góp phần quan trọng trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đưa nền sản xuất nông nghiệp của huyện từ manh mún, nhỏ lẻ, tự phát sang sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGap, Organic.
Năm 2022, với diện tích gieo trồng 38.264 ha, huyện Sông Mã đã thu trên 72 nghìn tấn lương thực có hạt, huyện đã đảm bảo an ninh lương thực, giá trị 1 ha đất sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 65,4 triệu đồng/ha; với diện tích cây ăn quả có 10.682 ha, sản lượng đạt trên 80 nghìn tấn.
Mô hình kinh tế tập thể, kinh tế HTX nông nghiệp ở huyện Sông Mã đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo việc làm ổn định cho người lao động, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Văn Hiếu /VPTây Bắc