Sơn La: Huyện Thuận Châu hướng đến xây dựng thương hiệu chè Phổng Lái vươn xa

Với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp và nguồn nước thích hợp, cây chè ở xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu (Sơn La) đã tạo được hương vị đặc trưng hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều khách hàng tiêu dùng, góp phần phát triển kinh tế cho các hộ gia đình ở địa phương.

Xã Phổng Lái, thuộc huyện Thuận Châu nằm dưới chân đèo Pha Đin huyền thoại. Được thiên nhiên ưu đãi cho khí hậu và nguồn nước rất thích hợp với cây chè, vì vậy, những năm qua, việc phát triển cây chè đã được cấp ủy, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Hiện nay, Phổng Lái là xã có diện tích chè lớn nhất huyện Thuận Châu với 750 ha chè. 

Vùng chè Phổng Lái vào mùa thu hoạch
Vùng chè Phổng Lái vào mùa thu hoạch

Theo người dân địa phương, cây chè đã có mặt trên đất Phổng Lái, huyện Thuận Châu khi người Kinh từ Thái Bình lên phát triển kinh tế mới ở Sơn La. Chè được trồng tại xã Phổng Lái có nhiều điểm khác biệt so với chè của địa phương khác, nước có màu xanh tự nhiên, hương thơm nhẹ nhàng và vị dịu, ngọt đậm đặc trưng.

Được biết, cây chè đã khẳng định vị thế vững chắc là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống người dân ở xã Phổng Lái. Đến nay, đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Kinh… tại các bản như: Pá Chặp, Khau Lay, Thư Vũ… đều tích cực phát triển, mở rộng diện tích trồng chè. Nhờ có cây chè, người dân Phỏng Lái, nhất là bà con dân tộc Mông đã bỏ các phong tục tập quán lạc hậu, sống định canh, định cư. Cùng với việc trồng các loại cây ăn quả, bà con chú trọng thâm canh cây chè. Những nương chè ngày càng vươn rộng trên những triền đồi, đang trở thành nguồn thu nhập chính của bà con nhân dân các dân tộc nơi đây. Cây chè đã giúp đời sống bà con ngày càng ổn định và phát triển.

Nông dân bản Quỳnh Châu, xã Phổng Lái thu hái chè
Nông dân bản Quỳnh Châu, xã Phổng Lái thu hái chè

Ông Nguyễn Văn Khiêm - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất Kinh doanh và Dịch vụ Tổng hợp Bình Thuận (HTX Bình Thuận) cho biết: Cây chè bén rễ với mảnh đất Phổng Lái từ những năm 60 của thế kỷ trước. Đến nay, cây chè đã trở thành vùng sản xuất cây công nghiệp rộng lớn của huyện Thuận Châu. Để có được thương hiệu nổi tiếng như hiện nay, cây chè tại đây cũng đã trải qua biết bao thăng trầm. 

Đặc biệt, để phát huy, tiềm năng và thế mạnh đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, những năm gần đây, nhiều công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh chè đã tham gia hợp tác, hướng dẫn người trồng chè ở Phỏng Lái ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại từ khâu trồng, chăm sóc, chế biến theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo nguyên liệu sản xuất đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Điển hình là các đơn vị như: Công ty TNHH nông sản Thân Nga, Công ty chè Thu Đan, Hợp tác xã chè Phỏng Lái… Nhờ sự hợp tác này, hiệu quả kinh tế thu được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh chè đã được nâng lên rõ rệt. 

Sản phẩm chè Phổng Lái
Sản phẩm chè Phổng Lái
Cây chè được phát triển, đem lại nguồn thu nhập lớn cho bà con
Cây chè được phát triển, đem lại nguồn thu nhập lớn cho bà con

Tính đến tháng 8/2018, toàn xã Phổng Lái hiện có hơn 300 ha chè, trong đó diện tích đang cho thu hoạch là trên 250 ha chè các loại. Năng suất bình quân đạt 9 tấn/ha. Chất lượng sản phẩm chè nhìn chung được đánh giá cao; 80% chè khô được bao tiêu đầu ra. Chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm nay, đã có 850 tấn chè Phổng Lái được xuất khẩu sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc).

Tuy nhiên, đến nay, địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu Chè Phổng Lái Thuận Châu. Theo ông Nguyễn Văn Báu - Bí thư Đảng ủy xã Phổng Lái cho biết: “Mục tiêu từ nay đến năm 2020 của xã Phổng Lái là phát triển diện tích cây chè lên trên 500 ha. Thực tế đến nay, sản phẩm chè Phỏng Lái chưa có được vị trí tương xứng trên thị trường; thậm chí có thời điểm, để tiêu thụ trên thị trường, sản phẩm chè sản xuất tại Phỏng Lái còn phải đóng dưới bao bì, nhãn mác khác. Do vậy, mong muốn chung của người trồng chè ở xã Phổng Lái đó có sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn trong việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chè, hướng tới xây dựng thành công thương hiệu Chè Phổng Lái Thuận Châu”.

Ông Mè Văn Tiền - Chủ tịch UBND xã Phổng Lái, chia sẻ: “Hiện, xã đã được chứng nhận thương hiệu “Chè Phổng Lái Thuận Châu” và phát triển được vùng chè nguyên liệu rộng lớn với 750 ha chè, trong đó diện tích chè kinh doanh 531 ha, không chỉ góp phần tạo nguồn thu cho gần 400 hộ trồng, chế biến, kinh doanh chè mà còn giúp địa phương giải quyết việc làm cho trên 2.000 lao động, trong đó có những người làm nghề thu hái chè cả trong và ngoài địa bàn xã, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống người dân”.

Được biết, với định hướng mang tính dài hơi, thời gian tới, huyện Thuận Châu sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn để đồng bào các dân tộc trong huyện nói chung và người dân  xã Phổng Lái nói riêng hiểu, xác định cây chè là cây chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại cây trồng khác. Đồng thời, bổ sung, hoàn chỉnh quy hoạch; tiếp tục phát triển cây chè tại một số địa bàn hiện nay vẫn còn diện tích đất trống.

Đến nay, sản phẩm của xã đã được chứng nhận thương hiệu “Chè Phổng Lái Thuận Châu”. Huyện Thuận Châu xác định lựa chọn chè là một trong những sản phẩm chủ lực, tiêu biểu theo chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Chính quyền xã Phổng Lái tiếp tục vận động cá nhân, doanh nghiệp liên kết, thực hiện bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân với giá ổn định, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, tuân thủ quy trình sản xuất sạch, đảm bảo chất lượng; đặc biệt trong khâu chế biến, hướng tới xây dựng thành công thương hiệu “Chè Phổng Lái Thuận Châu”, từ đó góp phần vào sự phát triển kinh tế trên địa bàn.

Sơn Thủy