Arabica Sơn La - hương vị núi rừng Tây Bắc
Với diện tích trên 20.000 ha, trong đó khoảng 19.300 ha cà phê Arabica, Sơn La hiện là địa phương có diện tích cà phê Arabica lớn của cả nước, sản lượng hằng năm đạt khoảng 350.000 tấn quả tươi.
Chị Cầm Thị Mòn, Giám đốc HTX cho biết: Từ khi thành lập năm 2020, các thành viên HTX và hơn 300 nông hộ liên kết đã lựa chọn sản xuất dòng cà phê đặc sản, cà phê chất lượng cao; xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với quảng bá hình ảnh, con người Sơn La, Tây Bắc.
Cùng với đó, chị Mòn, chia sẻ thêm, chúng tôi chọn tên của HTX là Ara-tay Coffee, “ara” là viết tắt của Arabica, “tay” có nghĩa là người thái, là bàn tay nâng niu của người phụ nữ, là Tây Bắc... Thiên nhiên, khí hậu ưu ái cho Sơn La, cũng như xã Chiềng Chung chúng tôi trồng được cây cà phê arabica này. Giờ cà phê là cây chủ lực của bà con nông dân Chiềng Chung, giúp bà con phát triển kinh tế, nhà cửa khang trang, con cái được đến trường, không còn khó khăn như trước kia khi trồng ngô, trồng sắn”
Hơn 30 năm “bén duyên” với cây cà phê, ông Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc HTX cà phê Bích Thao, xã Hua La, thành phố Sơn La đã trải qua nhiều chuyện “thăng trầm” khi cà phê chưa có thương hiệu; được mùa, mất giá; được giá, mất mùa...
Ông Thao cho biết, nhận thấy vùng nguyên liệu cà phê trồng từ năm 1994 đã bị già cỗi, ảnh hưởng đến chất lượng, giá trị sản phẩm, năm 2017, ông quyết định thành lập HTX, đưa vào sản xuất giống mới và tập trung phát triển dòng cà phê hữu cơ, cà phê đặc sản, chất lượng cao. Đặc biệt, Cà phê bột nguyên chất của HTX là sản phẩm duy nhất của tỉnh Sơn La được chứng nhận OCOP 5 sao cấp Quốc gia. Cà phê giống mới đã được nghiên cứu là chống biến đổi khí hậu, kháng bệnh, 100% là cà phê arabica (cà phê chè). Nhận thấy nhu cầu từ trong nước đến thị trường châu Âu ưa chuộng dòng cà phê đặc sản, từ năm 2018, HTX đã mời các chuyên gia nước ngoài về tập huấn cho thành viên HTX; đón đầu phương pháp chế biến cà phê mật ong không sử dụng nước, vỏ làm trà xuất khẩu, giá trị cao hơn, thân thiện với môi trường.
Ông Vương Văn Hải, Chủ tịch Hội cà phê tỉnh Sơn La, cho biết, với độ cao trung bình khoảng 800 – hơn 1.000m, nhiệt độ ngày đêm có sự chênh lệch giúp cây cà phê chè phát triển thuận lợi; đem lại giá trị khoảng 5.000 tỷ đồng/năm, tạo sinh kế, thu nhập ổn định cho người trồng cà phê.Cà phê Sơn La phát triển được 30 năm nay, là một trong những cây đem lại thu nhập cao, ổn định. Hội cà phê Sơn La, các doanh nghiệp, người dân làm cà phê rất quan tâm việc phát triển cà phê bền vững, nâng cao chất lượng cây, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật; tăng năng suất, chất lượng. Tập trung chế biến sâu, tập trung vào cà phê rang xay, cà phê phục vụ người tiêu dùng để nâng giá trị, thu nhập cho người dân.
Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết: “Tỉnh tập trung rà soát, đánh giá lại tổng thể diện tích cây cà phê, từ đó tái canh cây cà phê bằng bộ giống mới, đặc biệt là tập trung giống cà phê cho ra sản phẩm chất lượng cao và cà phê đặc sản Sơn La. Đồng thời, tập trung sản xuất, chế biến, tiêu thụ và chiếm lĩnh thị phần xuất khẩu cà phê ổn định trên địa bàn tỉnh, trong nước và thế giới; liên kết vùng trồng với các nhà máy chế biến; nông hộ, nông dân, HTX liên kết ký hợp đồng trồng và theo quy chuẩn”.
Đặc biệt, từ “sứ mệnh” xóa đói giảm nghèo, cây cà phê giờ đã trở thành cây công nghiệp chủ lực của tỉnh Sơn La, nhiều sản phẩm cà phê đặc sản, cà phê chất lượng cao từng bước chinh phục các thị trường khó tính, góp phần khẳng định hình ảnh, thương hiệu, vị trí của cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới.
Cây cà phê đã trở thành cây trồng chủ lực
Những năm gần đây, những nương ngô, nương sắn kém hiệu quả ở Sơn La đã được người dân chuyển đổi thành những nương cà phê xanh ngát. Phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, cây cà phê đã trở thành cây trồng chủ lực, mang lại thu nhập cả trăm triệu đồng cho nông dân Sơn La.
Lớn lên bên những nương cà phê ở xã Chiềng Cọ, chị Quàng Thị Trang chia sẻ: "Từ lúc nhận được thông tin tỉnh lựa chọn xã Chiềng Cọ là nơi tổ chức hội thi Nhà nông đua tài, chị em trong bản chúng tôi đã rất hào hứng, chỉnh trang đường làng ngõ xóm, cắt tỉa những vườn cà phê đẹp nhất để chuẩn bị cho hội thi hái cà phê, cũng như chào đón du khách thập phương đến trải nghiệm".
Mùa thu hái cà phê năm nay thật đặc biệt với bà con Sơn La. Không chỉ là niềm vui được mùa, được giá, người trồng cà phê cũng như các địa phương đều phấn khởi, hào hứng khi trở thành “chủ nhân” ngày hội với nhiều kỳ vọng.
Những ngày này, bà con xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La tất bật thu hái cà phê. Trên khắp các nương, vườn rộn rã tiếng cười vui của bà con. Nhanh tay hái từng quả cà phê chín đỏ, chị Lèo Thị Thảo, bản Hùn, xã Chiềng Cọ cho hay, gia đình đã chuyển đổi từ nương trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng cà phê hơn 20 năm nay. Đến nay gia đình đã có hơn 1 ha cà phê, cho sản lượng từ 10 - 12 tấn/năm. Năm nay, cà phê được mùa, được giá, mặc dù mới đầu mùa nhưng thương lái đã đến tận vườn mua khiến gia đình rất phấn khởi.
“Trước đây gia đình trồng ngô và các loại lương thực kém hiệu quả nên điều kiện kinh tế khó khăn, bán ngô cũng không được giá. Từ năm 2000, gia đình chuyển sang trồng cà phê, từ đó tình hình kinh tế của gia đình ngày càng được cải thiện, gia đình yên tâm về hướng trồng cà phê”, chị Thảo cho biết.
Ông Cà Trung Hoà, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La - địa phương có gần 100% hộ dân chọn cây cà phê là sinh kế, với tổng diện tích trên 970 ha, cho biết: "Với Chiềng Cọ, cây cà phê đã phát triển hơn 30 năm nay, là cây chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con, giúp bà con xoá đói giảm nghèo. Chúng tôi mong muốn qua Lễ hội cà phê, sản phẩm cà phê của Chiềng Cọ nói riêng, của Sơn La nói chung sẽ được quảng bá đến du khách trong nước và quốc tế. Từ đó nâng cao giá trị của cây cà phê, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho bà con, phát triển cây cà phê bền vững trong thời gian tới".
Ông Hà Trung Chiến, Bí thư thành ủy Sơn La cho biết, cà phê thu hoạch đến đâu đều được tiêu thụ hết, không phải "giải cứu" như các loại quả khác. Hiện địa phương đã có các cơ sở sản xuất, chế biến cà phê được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Sơn La; sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia và thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam. Bên cạnh việc đảm bảo chất lượng vùng trồng, thành phố Sơn La đang đặc biệt quan tâm đến mô hình liên kết giữa các DN, các hộ dân phát triển các HTX để làm sao kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất cà phê, từ đó đưa ra sản phẩm tốt nhất cho khách hàng tại thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.
Được mùa, được giá nên vụ cà phê năm nay thắng lợi sẽ giúp người nông dân Sơn La có thêm nguồn lực đầu tư nâng cao chất lượng cà phê, yên tâm lao động sản xuất, vươn lên giảm nghèo bền vững và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
PHI LONG/VPTB