Sơn La: Nhiều lợi thế phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc sản

Theo Trung tâm Khuyến nông Sơn La, trong những năm qua, nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách của tỉnh Sơn La đã được ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả, tạo đà phát triển rất lớn về sản xuất các loại nông sản đặc trưng để chế biến và xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Tỉnh Sơn La được đánh giá là “hiện tượng nông nghiệp" của cả nước, đây là địa phương được kỳ vọng trở thành trung tâm chế biến nông sản của cả khu vực Tây Bắc. Toàn tỉnh Sơn La có hơn 78.800 ha cây ăn quả các loại và có 8 dự án nhà máy chế biến công suất lớn được khởi công và đi vào hoạt động.

Nhiều lợi thế phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc sản tại tỉnh Sơn La
Nhiều lợi thế phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc sản tại tỉnh Sơn La

Trong những năm qua, nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách của tỉnh Sơn La đã được ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả, nhất là chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chủ trương chuyển đổi từ trồng cây lương thực kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả trên đất dốc, thực hiện cải tạo vườn tạp, nâng cao năng suất, chất lượng vườn quả bằng việc ghép cải tạo giống mới có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, đưa các giống cây ăn quả vào sản xuất như nhãn chín muộn, xoài Đài Loan, mận, chanh leo, bơ, hồng giòn, cam, bưởi... đã đem lại hiệu quả rõ rệt, tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, góp phần thay đổi tư duy và phương thức sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập và đời sống của người dân tỉnh Sơn La.

Nông sản Sơn La đa dạng, có chất lượng cao
Nông sản Sơn La đa dạng, có chất lượng cao

Toàn tỉnh đã được cấp 161 mã số vùng trồng cho 4.537 ha cây ăn quả xuất khẩu. Bước đầu thực hiện cơ giới hóa sản xuất bằng việc đưa máy móc vào sản xuất, thu hoạch sản phẩm như sử dụng máy cày, máy gặt. Thực hiện cơ giới khâu làm đất cơ bản đã đạt được 100% đối với một số cây trồng như mía, cao su, chè; trên 50% đối với một số cây trồng như lúa, sắn, ngô, cà phê. Trong khâu chăm sóc, bảo vệ thực vật lúa và các cây trồng khác đạt trên 40%; khâu thu hoạch chiếm trên 80% đối với chè (sử dụng máy cắt chè). Hệ thống tưới (nhỏ giọt, phun...) tiết kiệm nước (508,25 ha cho các loại cây trồng như hoa, nấm, cà phê, chè, mía, rau các loại, cây ăn quả). Nhà lưới, nhà kính 53,21 ha. Ứng dụng nhà lưới, nhà kính trong sản xuất hoa, rau các loại, cây ăn quả. Cơ giới hóa chuồng trại và cung cấp thức ăn, nước uống, xử lý môi trường đối với chăn nuôi lợn đạt trên 80%; 580 hộ chăn nuôi bò sữa sử dụng máy vắt sữa đạt 100%. Áp dụng cơ giới hóa thực hiện ở khâu chặt hạ và vận chuyển lâm sản. Tàu thuyền có động cơ đánh bắt thủy sản trên địa bàn tỉnh có 1.988 chiếc với tổng công suất 17.274 CV.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La - Nguyễn Thành Công, để tiếp tục phát huy những thế mạnh của địa phương, thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, Sơn La sẽ tập trung khai thác, tận dụng tốt lợi thế về điều kiện tự nhiên; xây dựng và phát triển các vùng, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt các tiêu chuẩn quốc tế phổ biến về an toàn vệ sinh thực phẩm theo chuỗi giá trị, tăng thu nhập cho người sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, xây dựng tỉnh Sơn La trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Tây Bắc.

Riêng về cây ăn quả - thế mạnh của tỉnh, Sơn La chú trọng phát triển các loại cây được ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh như: Xoài, nhãn, cam, bơ, chanh leo, hồng, lê… Đồng thời, Sơn La sẽ rà soát chuyển một phần diện tích đất trồng cây lương thực năng suất, hiệu quả thấp và diện tích đất dốc, đất trồng đồi trọc sang trồng cây ăn quả. Xác định các vùng phát triển vùng nguyên liệu quả gắn với nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Nhân Lê