Hiện nay, trên địa bàn xã Tô Múa có hơn 640ha chè Shan tuyết, trồng tại 12 bản, 1 tiểu khu với trên 80% số hộ dân trong xã tham gia sản xuất, kinh doanh chè. Trong quá trình phát triển, cây chè Tô Múa được người sản xuất ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trong các khâu trồng, chăm bón và thu hái, liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Ông Hà Văn Thuần, Chủ tịch UBND xã Tô Múa, cho biết: Toàn xã có 1.400ha đất sản xuất thì diện tích trồng chè chiếm gần một nửa. Cây chè đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tạo nguồn thu nhập ổn định cho nhân dân trên địa bàn. UBND xã đã thực hiện các giải pháp phát triển bền vững cho cây chè, xây dựng mô hình HTX sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị; khuyến khích người dân trồng và chăm sóc chè theo hướng hữu cơ, VietGAP; thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, chế biến chè, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm dài hạn với người trồng chè.
Mỗi năm chè Tô Múa cho thu từ 5-6 lứa, năng suất bình quân đạt 18-20 tấn/ha/năm. Sản lượng chè búp tươi ước đạt trên 15.000 tấn/năm, được Công ty cổ phần trà Hưng Phát và một số doanh nghiệp thu mua với giá 5.500 - 6.000 đồng/kg, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho hàng trăm hộ trồng chè trong xã.
Đến thăm vùng chè hơn 80ha ở bản Mến. Thời điểm này, các hộ dân đang thu hái lứa chè thứ 3 trong năm. Có gần 20 năm kinh nghiệm trong sản xuất, chế biến chè, ông Lường Văn Thắng chia sẻ: Gia đình tôi có gần 8.000m2 chè, sản lượng khoảng 15 tấn/năm, thu nhập mỗi năm từ trồng chè đạt hơn 70 triệu đồng. Những năm gần đây, nhiều hộ ở bản đã tích cực đầu tư máy móc vào hoạt động sản xuất chè, riêng gia đình tôi mua 2 máy cắt chè, giúp tiết kiệm nhân công và thời gian thu hái.
Tại bản Yên Hưng, một trong những địa bàn có diện tích chè lớn nhất xã Tô Múa. Bà Phan Thị Khánh là một tấm gương điển hình như thế, mỗi năm bà thu lãi hàng trăm triệu đồng từ cây chè. Bà Khánh chia sẻ: “Vài năm trở lại đây, do chè Mộc Châu không ngừng có giá trị cao và được nhiều thương lái đến tìm mua. Theo chỉ đạo của UBND xã, gia đình tôi đã đầu tư giống trồng thêm được 1 ha chè mới. Để cây chè phát triển tốt, cho năng suất cao và sống được bằng nghề sản xuất chè. Tôi luôn tập trung thâm canh, chăm sóc, đốn tỉa trồng dặn và thu hái, chế biến đúng kỹ thuật, nên sản phẩm chè của gia đình tôi luôn cho năng suất và chất lượng cao. Cứ vào mùa vụ thu hoạch là nhà máy chè ở xã Tô Múa và ngoài huyện Mộc Châu (Sơn La) đến tìm mua, nên sản phẩm chè của gia đình không lo ế ẩm”.
Về kỹ thuật chăm sóc chè, bà Khánh thường bón phân lân, đạm kết hợp phân chuồng cho vườn chè. Thông thường trồng chè nhà hơn trồng các loại cây công nghiệp khác. Mỗi năm chỉ cần làm cỏ cho vườn chè từ 1 - 2 lần, không phải chăm sóc tỉ mỉ như cây ngô, cây lúa... Bởi cây chè ít bị dịch bệnh và ít chí phí chăm sóc. Gia đình bà Khánh là hộ tiên phong và làm giàu từ cây chè ở bản Yên Hưng, không chỉ làm giàu cho gia đình mình, mà bà còn chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều hộ khác trong bản về chuyển hướng sản xuất vươn lên thoát nghèo bằng cây chè.
“Một năm gia đình tôi thu hoạch được 5 lứa chè tươi, mỗi lứa khoảng 5 tấn cho lãi 20 triệu đồng. Tính ra mỗi năm gia đình tôi thu nhập 100 triệu đồng từ trồng chè. Từ khi chuyển sang trồng chè trên 1ha nương vườn, đời sống kinh tế của gia đình tôi đã dư giả hơn, có khoản tiết kiệm kha khá. Con cái tôi đều trường thành và có nghề nghiệp ổn định”- bà Khánh chia sẻ.
Thực hiện mục tiêu phát triển và nâng tầm thương hiệu cây chè, UBND xã Tô Múa thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp và người trồng chè, nhằm đảm bảo sản phẩm có đầu ra ổn định; tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân các bản sản xuất chè chất lượng cao; phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn nhân dân áp dụng các biện pháp khoa học, kỹ thuật, thực hiện mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, tiến tới xây dựng sản phẩm OCOP, phát triển thương hiệu chè chất lượng cao Tô Múa trên thị trường.
PHI LONG