Theo số liệu thống kê cả vùng xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên (Sơn La) có khoảng 300 ha cây chè shan tuyết, trong đó khoảng 40 ha cây chè shan tuyết cổ thụ với gần 3.000 cây tập trung ở bản Bẹ có độ tuổi từ 100 năm đến 300 năm. Còn lại hơn 250 ha chè dưới 100 năm tuổi trồng ở các bản Tà Xùa và Chung Chinh.
Ông Đào Văn Nguyên - Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên cho biết: Công tác xây dựng, phát triển thương hiệu chè Tà Xùa được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở luôn quan tâm triển khai thực hiện. Chè Tà Xùa đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể, được Sở Khoa học và Công nghệ đề nghị cấp nhãn hiệu chứng nhận. Huyện Bắc Yên đã chủ động mời gọi, hỗ trợ hoạt động của các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh chè đến đầu tư nhằm phát huy giá trị của cây chè tại địa phương.
Trong đó, có Công ty Trà và đặc sản Tây Bắc đã cho ra những sản phẩm chè chất lượng cao với các sản phẩm OCOP bốn sao cấp tỉnh. Công ty đã liên kết với Hợp tác xã Nông nghiệp và Chè Tà Xùa đăng ký và cấp giấy chứng nhận VietGAP cho 30 ha làm nguyên liệu cung cấp thường xuyên cho xưởng chế biến. Thấy được giá trị từ cây chè mang lại, người dân đã thay đổi nhận thức từ chăm sóc, bảo vệ, thu hái, chế biến chè đúng kỹ thuật, chất lượng sản phẩm được nâng lên, nhiều diện tích chè được công nhận VietGAP và hướng tới sản xuất chè sạch theo hướng hữu cơ.
Về chủ trương phát triển vùng chè Tà Xùa gắn với du lịch sinh thái, đầu tư phát triển các loại cây trồng, vật nuôi theo hướng đặc sản, huyện Bắc Yên đã ban hành Đề án “Phục tráng vùng chè shan tuyết Tà Xùa” với mục tiêu chủ yếu là quy hoạch cải tạo, phục tráng diện tích chè hiện có, phát triển thêm diện tích mới, xây dựng thương hiệu hàng hóa chè đặc sản Tà Xùa. Mặt khác, đưa thiết bị máy móc hiện đại vào việc sản xuất kinh doanh, chế biến, bảo quản làm tăng giá trị sản phẩm chè, đáp ứng được nhu cầu thị yếu của thị trường, tạo việc làm tăng thu nhập cho người lao động.
Đối với việc phát triển vùng nguyên liệu và duy trì, nâng cao chất lượng sản phẩm chè Tà Xùa, từ năm 2017-2022, Ủy ban nhân dân huyện Bắc Yên đã chỉ đạo, hỗ trợ trồng mới 225 ha cây chè shan tuyết tập trung chủ yếu tại xã Tà Xùa và xã Háng Đồng (trước đây cũng thuộc xã Tà Xùa) với sản lượng thu hoạch khoảng 320 tấn chè búp tươi/năm.
Ông Đỗ Văn Tuyến - Bí thư Đảng ủy xã Tà Xùa, cho biết: Trước đây bà con H’Mông thường hái búp chè tươi về sao lên để uống và tặng cho khách quý. Sau này chè mới bắt đầu trở thành hàng hóa khi nhiều người tìm mua vì loại chè này có chất lượng ngon và hương thơm đặc biệt.
Cây chè đã trở thành một trong những cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế trên mỗi diện tích đất. Tuy nhiên, sản phẩm chè cổ thụ dù được nhiều người biết đến và tìm mua nhưng không nhiều người mua được, vì loại chè đặc sản này có sản lượng không nhiều. Trong khi phần lớn sản phẩm chè búp tươi của những gốc chè shan tuyết cổ thụ của xã Tà Xùa đã được một công ty thu mua để chế biến đáp ứng nhu cầu khách hàng trong nước, phục vụ xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc và các nước thuộc khối EU.
Hiện toàn xã có 560 hộ thì có đến 320 hộ trồng chè, chè búp khô giá bán trung bình 400.000 đồng đến 500.000 đồng/kg, cây chè mang lại giá trị kinh tế cao góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Ông Mùa A Khư - Phó Chủ tịch UBND xã Tà Xùa chia sẻ: Chỉ sau này khi thấy được giá trị cây chè và khách đến hỏi mua nhiều nên bà con mới biết sao chè mang xuống phố huyện hay trung tâm xã bán.Tiếp đó là sự tiên phong của các hộ khi tìm tòi đưa những kỹ thuật sản xuất mới để nâng tầm cây chè bản địa, nên từ đó sản phẩm chè Tà Xùa được nhiều người biết đến và cũng từ đó giá trị kinh tế thu về từ những gốc chè tại các hộ dân được nâng lên, người trồng chè đã thu nhập ổn định hơn cây ngô, lúa nương trên những diện tích đất dốc bạc màu. Tuy nhiên, nếu dùng máy vò chè hay lò tôn quay thì cánh chè sẽ nát, bị hỏng.
Đặc biệt, chỉ có thể sao thủ công bằng chảo gang dày rồi làm thật cẩn thận mới cho ra được một mẻ chè khô, khi pha nước có mầu xanh, hương thơm ngát đặc trưng núi rừng. Muốn chè ngon thì thời điểm thích hợp nhất để hái chè là vào buổi sáng sớm khi những giọt sương đêm vẫn đọng trên những lá chè, nếu không thì phải chờ đến 15 giờ trở đi. Quá trình sao chè cũng cần phải giữ nhiệt độ ổn định cho chảo gang thì chè khô mới thơm ngon. Khi nhóm bếp củi làm nóng chảo, người sao chè bằng kinh nghiệm của mình sẽ dùng tay kiểm tra nhiệt độ và khi nào cảm nhận tới độ nóng nhất định thì mới được đổ lá chè tươi vào.
Sau khi sao chè xong, công đoạn vò lên hương cũng rất quan trọng. Nếu vò nhẹ thì khi pha, nước sẽ lâu nhạt mầu và hương vị trà cũng đậm đà hơn. Còn nếu vò mạnh thì sẽ bị ra nhiều chè cám, chè sẽ mau nhạt hơn. Sau đó, chè tiếp tục được đưa lại vào chảo gang và dùng tay sao cho đến khi bẻ cọng chè thấy giòn là được...
Huyện Bắc Yên đang tập trung tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và xã Tà Xùa hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thu hái để nâng cao chất lượng sản phẩm, tuyên truyền, vận động người dân mở rộng diện tích vùng trồng chè, phấn đấu đến năm 2025 sẽ trồng mới 50 ha chè shan tuyết, nâng diện tích chè của xã lên 420 ha. Đồng thời, liên kết với doanh nghiệp giữ gìn, bảo tồn diện tích chè cổ thụ, nhằm nâng cao thương hiệu chè Tà Xùa, góp phần nâng cao đời sống bà con vùng cao Bắc Yên từ cây chè.
PHI LONG