Sứ mệnh của những người làm báo đầy ý nghĩa, tự hào, vẻ vang nhưng cũng vô cùng gian nan và vất vả

Chiều 20/6, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp mặt các cơ quan báo chí nhân kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2021).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Sứ mệnh của những người làm báo đầy ý nghĩa, tự hào, vẻ vang nhưng cũng vô cùng gian nan và vất vả. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Sứ mệnh của những người làm báo đầy ý nghĩa, tự hào, vẻ vang nhưng cũng vô cùng gian nan và vất vả. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại cuộc gặp mặt và làm việc, lãnh đạo các cơ quan báo chí đã được nghe báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông về hoạt động báo chí trong thời gian qua, báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và dự kiến 6 tháng cuối năm 2021, quỹ vaccine phòng chống COVID-19, công tác phòng chống dịch và nguyên cứu, sản xuất, nhập khẩu và tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19. 

Nhắc lại lịch sử của nền báo chí cách mạng Việt Nam, những lời răn dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, dù trong thời kỳ nào, các nhà báo luôn là những chiến sỹ dũng cảm trên tất cả các mặt trận. Báo chí cách mạng Việt Nam đã góp phần quan trọng để đất nước có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. 

Tại buổi gặp mặt, đại diện lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan thông tấn, báo chí đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ; bày tỏ lòng biết ơn về sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ, phối hợp của các bộ, ban, ngành dành cho báo chí nước nhà. Đồng thời nêu những thách thức mà báo chí Việt Nam đang phải đối mặt; kiến nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan trung ương tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các cơ quan báo chí, đội ngũ nhà báo hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao, phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam giàu tính nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại.

Nhắc lại lịch sử của nền báo chí cách mạng Việt Nam, những lời răn dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, dù trong thời kỳ nào, các nhà báo luôn là những chiến sỹ dũng cảm trên tất cả các mặt trận. Báo chí cách mạng Việt Nam đã góp phần quan trọng để đất nước có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. 

Hiện nay, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang nỗ lực phấn đấu hết mình vượt qua mọi khó khăn, thách thức để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và đại hội đảng các cấp đã đề ra. Báo chí cách mạng Việt Nam có vai trò, vị trị rất quan trọng trên mặt trận tư tưởng, là cầu nối truyền tải, thông tin giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. 

Trong đó, Chính phủ đang cụ thể hóa và tổ chức thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ và văn minh", còn nhân dân mong muốn Chính phủ liêm chính, hành động, hiệu quả, tất cả vì lợi ích của nhân dân, của đất nước. 

Các cơ quan báo chí sẽ là cầu nối truyền cảm hứng, tạo niềm tin để nhân dân hiểu về tư tưởng, tầm nhìn, chiến lược, hành động của Chính phủ để nhân dân cổ vũ, động viên, hưởng ứng những việc Chính phủ đang làm tốt, chia sẻ với Chính phủ về những khó khăn và góp ý, phản biện những khó khăn, hạn chế, vướng mắc để Chính phủ phân tích, lắng nghe và tiếp thu, khắc phục trong việc ban hành, thực thi và giám sát chính sách khi vào cuộc sống.

Ở chiều ngược lại, báo chí sẽ phản ánh nguyện vọng, mong muốn, những việc hài lòng, không hài lòng của nhân dân với Chính phủ để Chính phủ có những phản ứng, điều chỉnh chính sách kịp thời, hiệu quả, khả thi và sát tình hình thực tế. Báo chí phản ánh chân thực cuộc sống để chính sách phải xuất phát từ thực tiễn, bám sát, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn và hiệu quả thực tế làm thước đo.

Báo chí cũng phản ánh quan điểm, hành động của Chính phủ trong điều hành và xây dựng nền hành pháp, lấy lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân là trung tâm cải cách, thực thi và vận hành nền hành pháp, tạo sự đồng thuận, củng cố, tăng cường niềm tin nhân dân với chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sự điều hành của Chính phủ.

“Báo chí có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện phương thức lãnh đạo của Đảng, kết nối giữa Chính phủ và nhân dân, lan tỏa, truyền cảm hứng, tạo động lực với phương châm “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”; “lấy cái đẹp dẹp cái xấu” để góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp”, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong thời gian tới, bên cạnh những thuận lợi, thời cơ, nước ta còn đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu. Đảng và Nhà nước đang quyết tâm để ngăn chặn đại dịch, trong đó chú trọng chiến lược vaccine để tiêm miễn phí đến toàn dân, tạo miễn dịch cộng đồng để sớm phục hồi kinh tế và đưa cuộc sống trở lại bình thường. Chính phủ sẽ thường xuyên đánh giá, dự báo tình hình trong nước và quốc tế để xây dựng, triển khai kịch bản phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, hiệu quả. Thủ tướng mong muốn nhận được sự đồng hành, chia sẻ và hành động của các cơ quan báo chí trên cơ sở phát huy truyền thống “bút sắc, lòng trong, tâm sáng” để cùng với Đảng, Nhà nước chúng ta thực hiện được mục tiêu chung.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ luôn lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn, thách thức, đánh giá cao và có giải pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các cơ quan báo chí, các nhà báo đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật trong phạm vi, quyền hạn. Chính phủ mong muốn nhận được sự ủng hộ, góp ý của các nhà báo để xây dựng Chính phủ liêm chính, hành động quyết liệt, hiệu quả, hiểu dân và gần dân, tất cả vì lợi ích của quốc gia, vì dân tộc, lợi ích của nhân dân. Những kiến nghị, đề xuất của các các cơ quan báo chí là chính đáng, xuất phát từ thực tiễn, Chính phủ ghi nhận và sẽ xem xét để đưa ra các quyết định cụ thể.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời cảm ơn chân thành, lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến tất cả các nhà báo lão thành, phóng viên, biên tập viên, cán bộ, người lao động đang làm việc trong những cơ quan báo chí của Việt Nam ở trong và ngoài nước.

Tú Thành