Tác động của biến đổi khí hậu đến nông nghiệp và giải pháp thích ứng

Biến đổi khí hậu mà biểu hiện chính là sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng đã tạo nên các hiện tượng thời tiết cực đoan. Đây là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ XXI vì biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái, tài nguyên môi trường và cuộc sống của con người.

 băng tan ở đảo Greenland đe dọa đến tồn vong của loài chim cánh cụt.
Băng tan ở đảo Greenland đe dọa đến tồn vong của loài chim cánh cụt.

Biến đổi khí hậu là thuật ngữ được dùng để chỉ sự thay đổi của khí hậu do tác động chủ yếu của con người làm thay đổi các thành phần của khí quyển trái đất. Sự thay đổi này kết hợp với các yếu tố biến động của tự nhiên dẫn tới các biến đổi của khí hậu qua các thời kỳ. Nói một cách dễ hiểu, biến đổi khí hậu chính là sự thay đổi của hệ thống khí hậu từ sinh quyển, khí quyển, thủy quyền tới thạch quyển trong hiện tại và tương lai.

Tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu xuất phát từ 2 nhóm là nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, những tác động của con người vào môi trường tự nhiên chính là nguyên do gây nên biến đổi khí hậu. Theo đó, việc gia tăng khí CO2 do hoạt động sản xuất công nghiệp, phá rừng, sử dụng nguồn nước cũng như các loại khí độc hại khác là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.

Bên cạnh đó, các yếu tố khách quan trong đó có sự thay đổi trong chính nội tại của tự nhiên bao gồm sự thay đổi trong hoạt động mặt trời, của quỹ đạo trái đất, sự dịch chuyển của các châu lục… cũng tác động không nhỏ gây nên tình trạng này.

Việt Nam là quốc gia nằm ở khu vực Đông Nam Á có điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, đất đai phong phú, phì nhiêu ở hai đồng bằng lớn là đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng Sông Hồng. Theo công bố kết quả thống kê diện tích đất đai của cả nước năm 2021 là 33.134.480 ha. Trong đó, diện tích nhóm đất nông nghiệp là 27.994.319 ha; diện tích nhóm đất phi nông nghiệp là 3.949.158 ha; diện tích nhóm đất chưa sử dụng là 1.191.003 ha.

Theo kịch bản biến đổi khí hậu của Bộ Tài Nguyên và Môi Trường năm 2021 nếu mực nước biển dâng 100cm, nguy cơ ngập đối với các tỉnh của Việt Nam như sau: Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có nguy cơ ngập cao (47,29% diện tích) Cà Mau và Kiên Giang là tỉnh có nguy cơ ngập cao nhất (tương ứng 79,62% và 75,68% diện tích). Khoảng 13,20% diện tích Đồng bằng sông Hồng; 1,94% diện tích tỉnh Quảng Ninh có nguy cơ bị ngập. Khoảng 1,53% diện tích các tỉnh ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận có nguy cơ bị ngập. Trong đó, tỉnh Thừa Thiên Huế có nguy cơ cao nhất (5,49% diện tích), Bình Thuận là tỉnh có nguy cơ ngập thấp nhất (0,19% diện tích). Khoảng 17,15% diện tích TP. Hồ Chí Minh; khoảng 4,84% diện tích Bà Rịa - Vũng Tàu có nguy cơ bị ngập.Tác động của biến đổi khí hậu bao trùm trên  phạm vi rộng, tuy nhiên trong bài viết này tác giả muốn nhất mạnh tác động của biến đổi khí hậu đến sinh thái, ngành nông nghiệp.

Nhiệt độ trái đất hiện nay đang làm cho các loài sinh vật biến mất hoặc có nguy cơ tuyệt chủng. Khoảng 50% các loài động thực vật sẽ đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng vào năm 2050 nếu nhiệt độ trái đất tăng thêm từ 1,4 đến 3 độ C (Dự đoán về nhiệt độ tăng toàn cầu đã được công bố trên tờ Nature Geoscience). Sự mất mát này là do mất môi trường sống vì đất bị hoang hóa, do nạn phá rừng và do nước biển ấm lên. Các nhà sinh vật học nhận thấy đã có một số loài động vật di cư đến vùng cực để tìm môi trường sống có nhiệt độ phù hợp. Ví dụ như là loài cáo đỏ, trước đây chúng thường sống ở Bắc Mỹ thì nay đã chuyển lên vùng Bắc cực.

Mất sự đa dạng sinh học con người, ngành nông nghiệp cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng. Tình trạng đất hoang hóa và mực nước biển đang dâng lên cũng đe dọa đến nơi cư trú của chúng ta. Và khi cây cỏ và động vật bị mất đi cũng đồng nghĩa với việc nguồn lương thực, nhiên liệu và thu nhập của chúng ta cũng mất đi.

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng nghiêm trọng đến đất nông nghiệp do nước biển dâng và bị tổn thất trực tiếp và gián tiếp như: Băng tuyết, lạnh giá, sương muối ở phía bắc Việt Nam, hạn hán, lũ lụt, sản lở, hoang mạc hóa, xâm nhập mặn, giông lốc gió mạnh diễn ra ở nhiều nơi.

Nhiệt độ Trái đất sẽ tăng thêm 3 độ C trong vòng vài thập kỷ tới được công bố trên tờ Nature Geoscience.
Nhiệt độ Trái đất sẽ tăng thêm 3 độ C trong vòng vài thập kỷ tới được công bố trên tờ Nature Geoscience.

Như đã đề cập ở trên, biến đổi khí hậu tác động mạnh mẽ đến ngành nông nghiệp, do đó để nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững cần có quy hoạch dài hạn trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu, chúng ta cần tập trung một số giải pháp cơ bản sau: Các bộ, ngành, địa phương cần quán triệt Nghị Quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của ban chấp hành trung ương Đảng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đến năm 2025, định hướng đến năm 2050. Từ đó xây dựng chương trình phù hợp để nông nghiệp, nông thôn Việt Nam phát triển bền vững.

Chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, nâng cao kỹ thuật sản xuất nông nghiệp. Tăng cường kiến thức, nâng cao năng lực thích ứng, đảm bảo sinh kế cho nông dân ở những vùng có nguy cơ cao ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và trạng thái thời tiết cực đoan.

Thực hiện nâng cấp, đảm bảo an toàn các hồ chứa nước, nhất là khu vực miền Trung, Tây Nguyên và trung du miền núi phía Bắc. Nâng cấp các đoạn đê biển, đê sông xung yếu, xây dựng cống ngăn mặn, giữ ngọt, bảo vệ và đẩy mạnh phục hồi, trồng rừng ngập mặn ven biển, rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn.

Bảo vệ không gian thoát lũ trên các lưu vực sông lớn, xây dựng kế hoạch thích ứng phù hợp. Tổ chức sản xuất ứng dụng đồng bộ nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Tích cực trồng thật nhiều cây xanh, cây che bóng đối với cây công nghiệp dài ngày.

Trồng cây phân tán, kết hợp giữa nông - lâm nghiệp tạo nên bức tranh đẹp của ngành nông nghiệp -  nông thôn vừa gia tăng tính hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường, tạo nên các nông trại xanh, các điểm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nhằm thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội bền vững./.

Hoàng Tuấn/VPTB