Tanin hay còn gọi là tannoit, là một hợp chất polyphenol có trong thực vật và tạo nên vị đắng - chát đặc trưng khi uống (cảm giác khô, nhăn nheo trong miệng). Với vai trò như một chất bảo vệ, tannin tồn tại như một hợp chất kháng khuẩn giúp cây trồng tự bảo vệ trước những tác hại của môi trường.
Tannin được tìm thấy rất nhiều trong tự nhiên, bao gồm nhiều loại thực vật ăn được lẫn không ăn được, chẳng hạn như vỏ cây, lá cây, các loại cây gia vị, các loại hạt, trái cây và các loại đậu. Tannin tồn tại trong thực vật với vai trò là một hợp chất giúp chúng chống lại các loại sâu bệnh. Bên cạnh đó, hợp chất này còn đóng góp màu sắc và hương vị cho nhiều loại thực phẩm thực vật.
Nguồn tannin phong phú và phổ biến nhất phải kể đến một số loại như trà, cà phê, rượu vang và sô cô la. Nhờ hàm lượng tannin dồi dào đã giúp tạo nên hương vị đắng đặc trưng của những thực phẩm và đồ uống này.
Nói riêng về trà, dù thức uống này được đánh giá là một nguồn cung cấp tannin phong phú song lượng tannin cụ thể trong các loại trà sẽ dao động phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chúng ta có 4 loại trà chính gồm trà trắng, đen, xanh và trà ô long, đều được làm từ lá của một loại cây có tên Camellia sinensis. Tuy loại trà nào cũng đều chứa tannin nhưng nồng độ trong mỗi loại sẽ bị ảnh hưởng đáng kể bởi cách thức và thời gian mà chúng ta xử lý lá trà.
Trong số 4 loại trà kể trên, trà đen được cho là có nồng độ tannin cao nhất, còn thấp nhất là trà xanh. Trà trắng và trà ô long chứa hàm lượng tannin ở mức trung bình nhưng như đã đề cập bên trên, nồng độ này sẽ không cố định. Lượng tannin trong mỗi loại trà hoàn toàn có thể thay đổi phụ thuộc vào cách trà được sản xuất và chế biến. Các loại trà chất lượng thấp hơn thông thường sẽ có nồng độ tannin cao hơn, bên cạnh đó trà càng được ngâm lâu thì nồng độ tannin trong trà sẽ càng cao.
Tác dụng tích cực của tannin đối với sức khỏe
Theo những nghiên cứu ban đầu về ảnh hưởng của tannin đối với sức khỏe, các nhà khoa học cho thấy rằng tannin trong trà có các đặc tính tương tự như các polyphenol khác. Điều đó có nghĩa là các hợp chất tannin có khả năng giúp ngăn ngừa bệnh bằng cách cung cấp các lợi ích chống oxy hóa và kháng khuẩn. Dưới đây là một số tác dụng phổ biến được cho là mang lại ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe con người của tannin:
Tác dụng chống oxy hóa: Tannin là một nhóm hợp chất polyphenol có trong trà và nhiều loại thực vật khác, đã thu hút sự chú ý của giới khoa học nhờ khả năng chống oxy hóa mạnh mẽ.
Giáo sư Yukihiki Hara đã tiến hành nhiều nghiên cứu và cho thấy tannin có khả năng bảo vệ tế bào chống lại các gốc tự do. Gốc tự do được tạo ra trong quá trình trao đổi chất của cơ thể hoặc do tác động từ môi trường như ô nhiễm, tia UV hoặc hóa chất. Khi các gốc tự do này tích tụ chúng có thể gây hại cho tế bào dẫn đến nhiều bệnh mạn tính như ung thư, tim mạch và các bệnh viêm nhiễm.
Tannin hoạt động như một chất chống oxy hóa bằng cách trung hòa các gốc tự do, ngăn chặn chúng tấn công và phá hủy tế bào.
Cân bằng lượng đường trong máu: Tannin cũng được nghiên cứu vì khả năng kiểm soát đường huyết đặc biệt là trong việc hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường.
Theo nghiên cứu thử nghiệm trên động vật và nghiên cứu lâm sàng cho thấy, tannin giúp tăng cường độ nhạy của insullin và ức chế enzym tham giá vào quá trình tiêu hóa carbohydrat thành đường đơn (glucoso), từ đó làm giảm lượng đường huyết sau ăn. Khả năng hấp thu glucose ở ruột và chông viêm của tannin cũng góp phần vào việc kiểm soát đường huyết.
Một nghiên cứu phân tích dữ liệu từ nhiều quốc giá đã chỉ ra rằng, uống ít nhất 4 tách trà xanh mỗi ngày có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuyp 2 lên đến 33%.
Giúp ngăn ngừa ung thư: Tannin còn được biết đến với khả năng ngăn ngừa và điều trị ung thư.
Theo các nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Ung thư MD Anderson, Hoa Kỳ, tannin có thể chống lại sự phát triển của tế bào ung thư bằng cách gây ra quá tình apoptosis (chết tế bào theo chương trình), ngăn chặn sự tăng sinh và lan rộng của khối u ác tính. Khả năng ức chế quá trình hình thành mạch máu mới (angiogenesis), cần thiết cho sự phát triển của khối u, cùng với đặc tính chống viêm của tannin, giúp giảm thiểu nguy cơ ung thư phát triển và lan rộng.
Giúp bảo vệ não bộ: Theo một báo cáo được công bố trên Tạp chí Molecules vào tháng 6 năm 2019 đã nêu rõ vai trò của tannin trong việc bảo vệ não bộ.
Theo đó, Tannin có thể làm chậm sự tiến triển của các rối loạn thoái hóa thần kinh như bệnh Parkinson và bệnh Alzheimer. Khả năng chống viêm và chống lại stress oxy hóa của tannin được xem là hai yếu tố quan trọng giúp bảo vệ các tế bào thần kinh duy trì chức năng nhận thức.
Ngoài ra theo một số nghiên cứu cho thấy, tannin giúp cải thiện tuần hoàn máu, bao gồm lưu lượng máu đến não. Tuần hoàn máu tốt giúp đảm bảo não nhận đủ lượng oxy và chất dinh dưỡng, hỗ trợ chức năng nhận thức và ngăn ngừa các tổn thương do thiếu máu.
Tốt cho tim mạch: Các nghiên cứu quy mô lớn từ Đại học Harvard chỉ ra rằng tannin có liên quan đến giảm nguy cơ mắc bệnh về tim mạch.
Tannin thúc đẩy chuyển hóa cholesterol xấu, ngăn ngừa cục máu đông và mảng xơ vữa - những yếu tố chính dẫn đến đột quỵ và tai biến mạch máu não. Ngoài ra, Một số nghiên cứu cho thấy tannin có thể giúp giãn mạch máu, cải thiện lưu thông máu và từ đó giảm huyết áp, một trong những nguyên nhân chính của bệnh tim mạch.
Một số tác dụng phụ khi sử dụng tannin không đúng cách
Mặc dù hợp chất tannin có trong trà mang lại rất nhiều lợi ích sức khỏe nhưng bạn cần tiêu thụ đúng mức mới không gây ra tác dụng phụ tiêu cực. Như đã đề cập ở trên, tannin là hợp chất duy nhất có khả năng dễ dàng liên kết với các hợp chất khác cũng như là yếu tố mang đến cho trà hương vị đắng đặc trưng. Tuy nhiên, sử dụng tannin sai cách sẽ có thể làm giảm một số quá trình tiêu hóa nhất định.
Giảm hấp thu sắt: Tannin mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng cũng có tác dụng phụ khi sử dụng không đúng cách. Bởi tannin có một đặc tính là có thể dễ dàng liên kết với protein và khoáng chất.
Tiến sĩ Hurrell từ viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ đã thực hiện nhiều nghiên cứu và chỉ ra rằng tannin có thể tạo phức hợp với sắt trong đường tiêu hóa làm cho sắt khó hấp thu đặc biệt ở những bệnh nhân thiếu máu do thiếu sắt
Để khắc phục tình trạng trên, nên tránh uống trà ngay sau khi ăn và bổ sung thực phẩm giàu VTM C trong chế độ ăn để tăng cường hấp thu sắt.
Có thể gây buồn nôn: Tannin có thể gây buồn nôn thông qua một số cơ chế sinh học, đặc biệt khi tiêu thụ ở lượng cao hoặc bởi những người nhạy cảm. Tannin kích thích niêm mạc dạ dày và tăng tiết axid, gây ra cảm giác khó chịu.
Do đó, bạn nên hạn chế sử dụng trà mỗi buổi sáng khi bụng rỗng để tránh triệu chứng này. Nên kết hợp khi ăn cùng với một số thực phẩm khác hoặc thêm sữa vào tách trà. Protein và carbohydrate từ thực phẩm sẽ liên kết với một số tannin, từ đó giúp giảm thiểu khả năng kích thích đường tiêu hóa.
Trên đây là những thông tin cần biết về hợp chất tannin trong các loại trà phổ biến. Uống trà đúng cách mỗi ngày rất tốt cho sức khỏe, chỉ cần bạn chú ý không uống trà vào lúc bụng đói cũng như tiêu thụ một cách cẩn trọng nếu bản thân là người thiếu sắt là có thể bảo vệ sức khỏe một cách tối ưu.