Kể từ năm 2018 đến nay, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, chính sách tín dụng cùng những quyết định của các cơ quan, ban ngành trong việc kiểm soát thị trường bất động sản (BĐS), đặc biệt là vướng mắc liên quan đến vấn đề pháp lý, khiến hàng loạt dự án bị đình trệ kéo dài.
Gần đây, sau giai đoạn khó khăn, cùng với sự hồi phục của thị trường BĐS Việt Nam, một số dự án BĐS “bỏ hoang" đã được tái khởi động, triển khai trở lại. Đặc biệt là các dự án căn hộ tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trong bối cảnh giá căn hộ liên tục thiết lập mặt bằng mới ở mức cao. Việc "hồi sinh" những dự án này không chỉ là cơ hội cho các chủ đầu tư có nguồn tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh mà còn góp phần giải “cơn khát" về nhà ở cho người dân.
Theo đó, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc kịp thời và hiệu quả của Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ, từ cuối năm 2022 đến nay, một số dự án BĐS đã được tháo gỡ những nút thắt về pháp lý, cơ chế chính sách để triển khai trở lại.
Các dự án có thông tin triển khai trở lại trong thời gian qua có thể kể đến như dự án Astral City (TP Thuận An, Bình Dương), dự án HaNoi Melody Residences (Linh Đàm, Hà Nội), dự án QMS Top Tower (Tố Hữu, Hà Nội), The Summit Building (Trần Duy Hưng, Hà Nội), KĐT Ecity Tân Đức (Đức Hòa, Long An)...
Theo Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), một số dự án BĐS “đắp chiếu" lâu năm có dấu hiệu tái khởi động, giới thiệu ra thị trường. Kết quả này là nhờ sự hỗ trợ tích cực từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước, Tổ Công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ trong nỗ lực giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về mặt pháp lý cho doanh nghiệp.
Đồng thời, dấu hiệu tái khởi động này cũng nhờ vào nguồn vốn được bổ sung từ hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A); sự tự tin của các chủ đầu tư trước kết quả phục hồi tích cực của thị trường.
“Các dự án căn hộ tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong bối cảnh giá căn hộ liên tục thiết lập mặt bằng mới ở mức cao. Việc "hồi sinh" những dự án này không chỉ là cơ hội cho các chủ đầu tư có nguồn tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh mà còn góp phần giải “cơn khát" về nhà ở cho người dân”, VARS khẳng định.
Việc khôi phục các dự án BĐS bị đình trệ được coi là yếu tố then chốt, giúp các doanh nghiệp BĐS tiếp tục các hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, để có thể “tái khởi động” thành công các dự án, không phải là điều đơn giản. Bởi lẽ đi kèm với nhiều khó khăn, thách thức. Ngay cả khi các vướng mắc về pháp lý đã được gỡ, thì áp lực về tài chính cũng là điều vô cùng khó khăn với các doanh nghiệp. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến một số dự án “hồi sinh” nhưng không thành công.
Theo đó, việc các dự án bị bỏ hoang trong thời gian dài thường phải đối mặt với sự xuống cấp về cơ sở hạ tầng, khiến chi phí phục hồi rất lớn. Cùng với chi phí tài chính phát sinh trong khoảng thời gian bị tạm dừng, “ăn mòn" hết lợi nhuận theo kế hoạch triển khai ban đầu. Điều này khiến nhiều chủ đầu tư “hồi sinh” dự án rồi mở bán với giá chào mới tăng tới gấp đôi so với giai đoạn mở bán trước đó để có thể thu được lợi nhuận. Mức giá tăng cao trong khi chất lượng không được nâng cấp, khiến dự án không được thị trường chấp nhận và nhanh chóng “im hơi lặng tiếng".
Đối với các dự án phải tạm dừng do gặp các khó khăn về pháp lý, Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh công tác triển khai tháo gỡ, giải quyết triệt để các vướng mắc cho doanh nghiệp, để các dự án được triển khai liền mạch, “bơm" nguồn cung ra, giảm sức ép lên thị trường, đưa mức giá BĐS nhà ở xuống mức dễ chịu hơn với những hộ gia đình có nhu cầu thực. Theo đó, cần đẩy mạnh việc thống kê, phân loại các dự án còn vướng mắc. Xây dựng cụ thể các tiêu chí để phân mức ưu tiên xử lý. Trong đó, một số tiêu chí có thể được sử dụng như: quy mô dự án, mức độ ảnh hưởng của dự án tới sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, khu vực nơi dự án triển khai, năng lực triển khai, uy tín của chủ đầu tư…Xác định xử lý đến đâu, gọn đến đó, tránh dàn trải, không đảm bảo hiệu quả.
Trước các quy định mới của pháp luật, các chủ đầu tư cũng đang ráo riết hoàn thiện, đảm bảo đủ các tiêu chí để triển khai, hoặc M&A dự án. Vì vậy, Nhà nước cần tiếp tục triển khai, thúc đẩy, hỗ trợ các chương trình phổ biến pháp luật để đảm bảo thị trường hiểu đúng, đủ; Bám sát thị trường, sẵn sàng nghiên cứu, thực hiện các điều chỉnh, bổ sung nếu nhận thấy bất cứ một dấu hiệu nào chưa phù hợp; có biện pháp mạnh mẽ, dứt khoát, tạo điều kiện để đảm bảo bộ máy nhân sự trong các cơ quan quản lý nhà nước sẵn sàng vào cuộc với doanh nghiệp. Có như vậy, quá trình “gỡ khó cho thị trường nói chung, cho các dự án tồn đọng nói riêng” mới nhanh và hiệu quả.
Tiến Hoàng