Lễ hội nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo chuyển biến tích cực của các cấp, ngành cũng như toàn xã hội trong việc bảo vệ, phát triển thương hiệu cam Cao Phong. Bên cạnh đó, Lễ hội còn góp phần quảng bá sâu rộng về xuất xứ địa lý, thương hiệu cam Cao Phong; giới thiệu hình ảnh, văn hóa, tiềm năng, thế mạnh của huyện; tạo cơ hội cho doanh nghiệp, doanh nhân, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong và ngoài tỉnh đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nâng cao thương hiệu cam cũng như các thương hiệu nông sản khác, hướng tới kích cầu tiêu dùng trong nước, tạo sự kết nối để nâng cao chuỗi giá trị của cam Cao Phong cũng như nông sản chủ lực của huyện.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hòa Bình Nguyễn Huy Nhuận chia sẻ: “Theo Đề án Phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Hòa Bình tiếp tục xác định phát triển nông nghiệp là nền tảng, trụ đỡ cho nền kinh tế theo hướng hiện đại, an toàn, hiệu quả, gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến. Đồng thời, phát triển nhanh, toàn diện nông nghiệp theo hướng mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa, hướng đến xuất khẩu và cung ứng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; xây dựng quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái…”.
Thực tế phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh Hòa Bình những năm gần đây đã có sự chuyển động tích cực và ngày càng khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Nhiều nông sản chủ lực đã vươn xa, được người tiêu dùng trong, ngoài nước biết đến. Song, thẳng thắn nhìn nhận, tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu phát triển; năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm thấp; chưa hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn...
Để phát huy thế mạnh, tiềm năng của địa phương, thời gian qua, huyện Cao Phong triển khai đồng bộ các giải pháp, bám sát định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Riêng đối với vùng trung tâm, chủ trương của huyện là tập trung phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như cam, quýt, bưởi, mía… Đến nay, toàn huyện có trên 1.740 ha cây ăn quả có múi, trong đó khoảng 1.357 ha cam, tổng sản lượng năm 2022 ước đạt trên 20.000 tấn.
Riêng đối với cam Cao Phong, nhiều năm nay, loại quả này đã trở thành thương hiệu nông sản chủ lực của tỉnh Hòa Bình. Cam Cao Phong khi thu hoạch vỏ thường dày, bổ ra có màu vàng đậm, có hạt, tỏa ra một mùi thơm rất hấp dẫn.
Từ năm 2010 đến 2015, cam Cao Phong bắt đầu giai đoạn sản xuất theo tiêu chuẩn, xây dựng thương hiệu; giai đoạn 2015-2020, tỉnh Hòa Bình tiếp tục bảo vệ thương hiệu, phát triển chỉ dẫn địa lý, nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao hiệu quả diện tích cây có múi đã được quy hoạch.
Để làm được điều này, tỉnh Hòa Bình đã phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tích cực ứng dụng khoa học - kỹ thuật, huy động các nguồn lực liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Với những bước đi đúng đắn, bài bản, cam Cao Phong dần khẳng định chất lượng, ưu thế vượt trội trên thị trường. Năm 2007, cam Cao Phong được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận logo nhãn hiệu hàng hóa, Tạp chí Thương hiệu Việt bình chọn Tốp 100 thương hiệu Việt. Năm 2010, được Hội Sở hữu trí tuệ cấp bằng công nhận nhãn hiệu cạnh tranh Việt Nam.
Đặc biệt, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý Cao Phong cho 4 giống cam tại thị trấn Cao Phong và 5 xã. Đây là hình thức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cao nhất dùng cho các sản phẩm có chất lượng đặc thù do điều kiện địa lý của khu vực đó quyết định. Sự kiện này là bước đột phá, tạo lập vị thế nông sản đặc trưng, nổi bật, mở ra nhiều cơ hội vươn ra thị trường lớn, là bước ngoặt trong hành trình xây dựng và phát triển thương hiệu cam Cao Phong.
Bên cạnh đó, để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ chung đề ra, tỉnh đang tập trung, phát triển cấp mã số vùng trồng, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Cải thiện, nâng cao số lượng, chất lượng nhóm nông sản chủ lực từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu cho các nông sản chủ lực; chú trọng quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, nhất là tại thị trường lớn trong nước và xuất khẩu…
Ông Bùi Văn Khánh - Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, để chủ động chỉ đạo sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, UBND tỉnh đã yêu cầu, các đơn vị liên quan thường xuyên cung cấp thông tin về thị trường xuất khẩu cho các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản; thông tin về chất lượng sản phẩm, hướng dẫn các vùng sản xuất hàng hóa sản xuất theo nhu cầu thị trường, bảo đảm đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu từ khâu sản xuất, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, vận chuyển và hướng tới xuất khẩu chính ngạch…
Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm cao, Hòa Bình kỳ vọng sẽ xây dựng được nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, nhất là các sản phẩm chủ lực. Qua đó, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Nhóm PVTB