Tăng chế tài xử lý các trang thương mại điện tử vi phạm

Trong những năm gần đây, thương mại điện tử tại Việt Nam đã phát triển vượt bậc, mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng và doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích rõ rệt, lĩnh vực này cũng phát sinh nhiều vấn đề, đặc biệt là việc các trang thương mại điện tử vi phạm quy định pháp luật. Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và duy trì sự công bằng trên thị trường, các cơ quan chức năng cần mạnh tay xử lý các hành vi vi phạm này.

Mạnh tay xử lý các trang thương mại điện tử vi phạm.  
Mạnh tay xử lý các trang thương mại điện tử vi phạm.  

Theo đó, tại địa bàn Ninh Thuận, Cục QLTT tỉnh Ninh Thuận xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 40 triệu đồng đối với 1 doanh nghiệp và 1 cá nhân trên địa bàn tỉnh với hành vi vi phạm không thông báo website TMĐT bán hàng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Hay, Đội QLTT số 3, Cục QLTT tỉnh Nam Định vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 30 triệu đồng đối với 2 cơ sở kinh doanh tại huyện Nam Trực và huyện Trực Ninh về hành vi vi phạm trong lĩnh vực TMĐT: Không thông báo website TMĐT bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng. Cùng với đó, Cục QLTT Khánh Hoà đã xử phạt gần 150 triệu đồng các website TMĐT vi phạm.

Tính từ đầu năm đến nay, lực lượng QLTT tỉnh An Giang đã kiểm tra 14 vụ việc kinh doanh trên nền tảng di động, xử lý 8 vụ việc vi phạm. Hàng hóa vi phạm chủ yếu là mỹ phẩm, các mặt hàng thời trang với trị giá hơn 34 triệu đồng, phạt tiền khoảng 100 triệu đồng.

Cùng với đó, lực lượng QLTT tỉnh An Giang đã tiến hành kiểm tra đối với 9 đối tượng, phát hiện 6 trường hợp vi phạm, đã tiến hành xử lý 5 trường hợp đối với các hành vi: Không thông báo website TMĐT bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng đến người tiêu dùng và kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, tổng phạt tiền trên 40 triệu đồng và tịch thu hàng hóa có giá trị khoảng 9 triệu đồng.

Tăng chế tài xử lý các trang thương mại điện tử vi phạm - Ảnh 1

Bà Phạm Thị Minh Phương, Tổ trưởng Tổ Thương mại điện tử, Tổng cục QLTT cho biết, sau hơn 2 tháng chính thức hoạt động, Tổ Thương mại điện tử đã kiểm tra, xử lý 9 vụ vi phạm trên các nền tảng TMĐT với tổng số tiền phạt, trị giá hàng tịch thu, tiêu hủy gần 2 tỷ đồng.

Trong đó, tổng số tiền phạt vi phạm hành chính gần 615 triệu đồng; trị giá hàng hóa tịch thu trên 1 tỷ đồng; trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy gần 200 triệu đồng. Đây là bước khởi đầu quan trọng, đánh dấu sự vào cuộc mạnh mẽ của Tổng cục QLTT đối với việc tăng cường kiểm tra, ngăn chặn các hành vi vi phạm trên các nền tảng TMĐT nhằm thực hiện có hiệu quả Đề án 319 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo bà Phạm Thị Minh Phương, các hành vi vi phạm mà Tổ đã phát hiện, xử lý trong quá trình kiểm tra, kiểm soát chủ yếu là nhận chuyển nhượng website TMĐT bán hàng mà không làm thủ tục chuyển nhượng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; không thông báo website TMĐT bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng; cung cấp thông tin kinh doanh hàng giả trên môi trường Internet; sử dụng biểu tượng đã thông báo để gắn lên website TMĐT bán hàng khi chưa được duyệt hoặc xác nhận thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Việc thành lập website phục vụ hoạt động bán hàng là do sự lựa chọn của người kinh doanh. Để việc kinh doanh mang lại hiệu quả các tổ chức, cá nhân cần triển khai những giải pháp là đăng ký thành lập các website bán hàng hay cung ứng dịch vụ có chức năng đặt hàng trực tuyến. Tuy nhiên, không phải nhiều tổ chức, cá nhân nắm rõ những quy định liên quan như website phải đăng ký với Bộ Công Thương hoặc thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Chính vì vậy, lồng ghép trong quá trình kiểm tra, xử lý các Đội QLTT đã tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật trong lĩnh vực TMĐT và yêu cầu các tổ chức, cá nhân có hoạt động TMĐT phải thực hiện đúng các quy định khi sử dụng website TMĐT bán hàng.

Thời gian tới, lực lượng QLTT tiếp tục tăng cường công tác quản lý địa bàn và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động TMĐT. 

Tiến Hoàng (t/h)