Tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển ngành Halal Việt Nam

Việt Nam có tiềm năng và năng lực trong ngành Halal (các sản phẩm phục vụ thị trường Hồi giáo) nhưng khả năng tiếp cận thị trường Halal của các doanh nghiệp Việt còn rất hạn chế.

Halal là một khái niệm còn ít được biết đến, kể cả đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Chỉ đến thời gian gần đây, khi ngày càng nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu của ta gặp khó khăn với vấn đề này tại các thị trường Hồi giáo thì tiêu chuẩn này mới bắt đầu được quan tâm và có nhu cầu tìm hiểu một cách thấu đáo.

Thị trường Halal toàn cầu vốn rất rộng lớn, giàu tiềm năng và phát triển nhanh. Nhu cầu chi tiêu cho sản phẩm và dịch vụ Halal ngày càng tăng. Tuy nhiên, hiện tại, Việt Nam có vị trí khá khiêm tốn trên bản đồ Halal toàn cầu dù có nhiều thế mạnh về nông nghiệp, thực phẩm, du lịch, dệt may… và đang tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu với việc tham gia nhiều liên kết kinh tế khu vực, nhất là các FTA thế hệ mới.

Thực tế, Halal và thị trường Halal vẫn còn khá mới ở Việt Nam. Chỉ gần 60% tỉnh, thành Việt Nam có sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Halal toàn cầu và hơn 1.000 doanh nghiệp có chứng nhận Halal. Đây là con số khiêm tốn so với tiềm năng và thực lực của Việt Nam.

Tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển ngành Halal Việt Nam - Ảnh 1

Tại hội nghị “Tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển ngành Halal Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh cho rằng, dư địa thị trường Halal với Việt Nam là rất rộng mở. Tỷ lệ người theo đạo Hồi chiếm khoảng hơn 24% dân số thế giới và dự báo sẽ tăng lên 30% vào năm 2050. Chi tiêu cho thực phẩm Halal sẽ tăng 3,1% từ 1.400 tỷ USD năm 2020 lên mức 1.900 tỷ USD vào năm 2024 và 15.000 tỷ USD vào năm 2050. Nhu cầu các sản phẩm Halal tăng mạnh không chỉ do sự gia tăng về số lượng người Hồi giáo mà còn do xu hướng tiêu dùng mới.

Theo ông Lê Quốc Doanh, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu nông lâm thủy sản uy tín trên thế giới và là mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết hàng đầu khu vực, với sự tham gia 17 FTA, trong đó có các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP… Nhiều loại nông sản của Việt Nam đã đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, phù hợp với yêu cầu chứng nhận Halal và được người Hồi giáo ưa chuộng.  Tuy nhiên, hiện nay thực phẩm Halal xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là nông, thủy sản thô và sơ chế.

Tính đến năm 2021, các thị trường Halal nhập khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam chủ yếu là Malaysia, Saudi Arabia, UAE, Ai Cập, Quatar, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Bờ Biển Ngà… Tuy nhiên, hiện nay, thực phẩm Halal xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là nông, thủy sản thô và sơ chế với 8 mặt hàng xuất khẩu chính là bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc, gạo, thủy sản, hạt điều, cà phê, hàng rau quả, hạt tiêu và chè.

Phần lớn các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu được chế biến từ thủy sản, nông sản (thực vật), chưa có điều kiện để chứng nhận cho các sản phẩm nông sản chế biến từ động vật. Nhiều lĩnh vực như dược, mỹ phẩm, du lịch... Halal còn chưa được quan tâm khai thác. 

Theo đại diện tỉnh Thanh Hóa và Bắc Giang, một trong những khó khăn lớn cho vấn đề trên là sự thiếu thông tin về thị trường, tiêu chuẩn Halal. Đồng thời chi phí trong đầu tư dây chuyền sản xuất, trang thiết bị để sản xuất sản phẩm Halal hiện tương đối cao. Bên cạnh đó, hiện Việt Nam chưa có cơ chế xúc tiến thương mại riêng đối với sản phẩm Halal và đang đứng trước sự cạnh tranh gay gắt từ nhiều nước có cơ cấu xuất khẩu tương đồng...

Điểm nghẽn lớn nhất để xuất khẩu sản phẩm Halal Việt Nam vào thị trường toàn cầu là việc đạt chứng nhận Halal đa dạng, phù hợp với yêu cầu riêng của từng thị trường khi trên thế giới có tới hơn 200 tiêu chuẩn Halal tương ứng với mỗi thị trường. Nhiều sản phẩm của địa phương Việt Nam đã đạt các tiêu chuẩn như OCOP, chứng nhận nông nghiệp hữu cơ... nhưng chưa có chứng nhận Halal. Hơn nữa, đối với tổ chức chứng nhận Halal, lãnh đạo và các chuyên gia đánh giá phải theo đạo Hồi... trong khi nguồn nhân lực đáp ứng các tiêu chí này còn rất hạn chế.

Theo các chuyên gia, để khai thác được dư địa rộng lớn của ngành Halal phù hợp với tiềm năng của Việt Nam, cần phải xây dựng được “hệ sinh thái Halal”. Nhiều nước như Indonesia, Malaysia, Saudi Arabia, Pakistan, Hàn Quốc, Brazil… đều có các chiến lược, chương trình phát triển ngành Halal, nền kinh tế và hệ sinh thái Halal một cách chiến lược và toàn diện.

Nhiều đại biểu quốc tế như các Đại sứ Brazil, Pakistan, Tham tán Công sứ Indonesia, các chuyên gia, doanh nghiệp… đã chia sẻ kinh nghiệm, chiến lược phát triển ngành Halal; khuyến nghị Việt Nam cần tận dụng tối đa hợp tác và các nguồn lực quốc tế để hỗ trợ phát triển sản phẩm, dịch vụ tham gia sâu hơn vào thị trường Halal toàn cầu.

Các chuyên gia cũng đề xuất khả năng hợp tác giữa Việt Nam và các nước trong lĩnh vực Halal như: thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương về phát triển ngành Halal giữa Việt Nam với các đối tác, nhất là các nước Hồi giáo và các nước ASEAN; ký kết các thỏa thuận về công nhận lẫn nhau trong lĩnh vực Halal; tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài để xây dựng các cơ sở sản xuất sản phẩm Halal đạt tiêu chuẩn quốc tế; hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với các tổ chức chứng nhận Halal uy tín và các đối tác trên thế giới...

Bên cạnh đó, đại diện các doanh nghiệp cũng đề xuất các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương… của Việt Nam hướng dẫn quy trình, thủ tục để được cấp chứng nhận Halal; hỗ trợ xúc tiến thương mại vào các thị trường Halal và hỗ trợ thông tin về các hàng rào thương mại, tiêu chuẩn nhập khẩu của thị trường Hồi giáo.

Bảo An